Xây dựng vùng đô thị xanh, sạch, đáng sống

Tăng trưởng hằng năm đều đạt hai con số, diện mạo đô thị ngày càng khang trang hiện đại, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Ðây là những kết quả quan trọng của hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm sau sáu năm thành lập, tạo nền tảng quan trọng để trở thành trung tâm phát triển mới ở khu vực cửa ngõ tây bắc Thủ đô.

 Dù có những thuận lợi, khó khăn riêng, nhưng hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đều xác định rõ phải đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong ảnh: Người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Duy Linh
Dù có những thuận lợi, khó khăn riêng, nhưng hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đều xác định rõ phải đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong ảnh: Người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Duy Linh

Song hành phát triển

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Ðức Hoạt cho biết, sau khi được thành lập, quận đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, trong đó hạ tầng thương mại - dịch vụ được đầu tư; phát triển nông nghiệp sinh thái, sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị kinh tế cao. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất trên địa bàn quận 5 năm qua là hơn 16%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Ðến nay, cơ cấu ngành thương mại, dịch vụ chiếm 58,6%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 41,3% và nông nghiệp chỉ còn 0,1%. Thu ngân sách 5 năm gần đây trung bình đạt 7.500 tỷ đồng/năm, luôn nằm trong tốp đầu của thành phố.

Tại quận Bắc Từ Liêm, dù hạ tầng khó khăn hơn, nhưng lợi thế đất đai lại được khai thác hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh tỷ trọng thương mại - dịch vụ và phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm đều đạt và vượt; 5 năm sau khi "ra ở riêng", thu ngân sách của quận đạt 16.154 tỷ đồng, bằng 139% dự toán thành phố giao. Riêng bốn tháng đầu năm 2020, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thu ngân sách quận vẫn đạt 2.339 tỷ đồng (đạt 76,5% dự toán cả năm), tăng 1.301 tỷ đồng (tăng 125% so với cùng kỳ năm 2019). Quận phấn đấu trong năm 2020 sẽ không còn hộ nghèo.

Những kết quả đó đã khẳng định chủ trương đúng đắn của thành phố khi quyết định chia tách huyện Từ Liêm thành hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Dù có những thuận lợi, khó khăn riêng, nhưng hai quận đều xác định rõ phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động để nuôi nguồn thu bền vững. Quận Nam Từ Liêm là địa phương đi đầu xây dựng mô hình chính quyền, công sở thân thiện, trách nhiệm. Quận Bắc Từ Liêm dù điều kiện còn khó khăn, nhưng vẫn bố trí cơ sở vật chất khang trang làm nơi giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời xây dựng phần mềm để người dân, doanh nghiệp chấm điểm trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Năm 2019, cả hai quận đều nằm trong tốp năm đơn vị dẫn đầu về cải cách hành chính khối quận, huyện, thị xã. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới cũng không ngừng tăng cao và hoạt động hiệu quả. Hiện, quận Bắc Từ Liêm có gần 5.000 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; quận Nam Từ Liêm có hơn 10 nghìn doanh nghiệp và trở thành "chủ lực" đóng góp cho ngân sách với bình quân khoảng 4.500 tỷ đồng/năm.

Còn nhiều dư địa phát triển

Tại buổi làm việc mới đây với hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao những kết quả hai địa phương đạt được. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, hai quận còn không ít hạn chế, khó khăn, trong đó, chuyển dịch cơ cấu lao động rất chậm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là tốc độ tăng trưởng dịch vụ, thương mại. Nguồn thu từ đất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách. Cộng đồng doanh nghiệp chưa đủ mạnh, khởi nghiệp sáng tạo chưa hiệu quả. Dù có tốc độ phát triển rất nhanh, quy mô kinh tế tăng trưởng tăng cao, nhưng thu nhập bình quân đầu người của người dân ở hai quận vẫn còn thấp, chưa đến 60 triệu đồng/năm, thấp hơn bình quân chung cả nước. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, đây là điều cần phân tích, đánh giá kỹ, nhất là về chuyển dịch cơ cấu lao động, bởi số lao động ở khu vực nông thôn vẫn còn lớn, dẫn đến thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn còn ở mức thấp. Vì vậy, hai quận cần tập trung nghiên cứu, sớm đề ra giải pháp khắc phục với quyết tâm trong nhiệm kỳ tới, thu nhập bình quân đầu người ít nhất là cao gấp hai lần hiện nay.

Ðề cập những tiềm năng, thế mạnh của từng quận, đồng chí Vương Ðình Huệ cho rằng, đối với quận Nam Từ Liêm phải chú trọng quan tâm bảo đảm yếu tố bền vững, hài hòa lợi ích giữa các bên; đô thị hóa phải gắn với công nghiệp hóa, phát triển đô thị phải gắn với phát triển kinh tế đô thị, bảo đảm đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng không khí, an toàn nguồn nước cho xứng đáng là nơi "đáng sống". Nam Từ Liêm phải hướng tới mô hình đô thị xanh, sinh thái, hiện đại, thông minh và bền vững. Các công trình xây dựng phải bảo đảm được quản trị thông minh, tiêu thụ ít năng lượng. Quy hoạch đô thị phải kết nối với khu vực đất nông thôn còn chiếm 55,4% diện tích.

Trong khi đó, quận Bắc Từ Liêm phải coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm để thúc đẩy kinh tế; tập trung chuyển dịch kinh tế theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, trong đó gia tăng hàm lượng dịch vụ chất lượng cao, giá trị cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; đồng thời đi sâu vào nông nghiệp công nghệ cao, hoàn thiện kết cấu hạ tầng để bảo đảm cơ cấu nguồn thu bền vững, coi trọng yếu tố "xanh, sạch, đáng sống" trong yêu cầu phát triển.

Trước mắt, đồng chí Vương Ðình Huệ yêu cầu lãnh đạo hai quận phải coi khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, vào cuộc với quyết tâm cao. Muốn vậy, từng đồng chí lãnh đạo quận phải bám sát tình hình, chỉ đạo tập trung để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế phát triển, nhất là tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm các quy định đầu tư, thu hồi các dự án chậm tiến độ để sớm hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại hơn.