Xây dựng văn hóa xứng tầm vị thế Thủ đô

Nhiều năm nay, trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, Hà Nội có nhiều nội dung dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển văn hóa - thể thao còn không ít thách thức, đòi hỏi thành phố cần có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng văn hóa - thể thao xứng với tầm vóc, vị thế Thủ đô.

Một tiết mục trong Chương trình "Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng" nhân kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.
Một tiết mục trong Chương trình "Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng" nhân kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Trong ngành văn hóa Thủ đô, từ hệ thống di tích, di sản cho đến nghệ thuật biểu diễn đều có bề dày truyền thống. Riêng số di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích quốc gia khoảng 1.200 di tích, bằng một phần ba tổng số lượng của cả nước. Thành phố có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có những di sản hết sức độc đáo như: tiếng lóng ở làng Đa Chất (huyện Phú Xuyên), kéo co ngồi ở phường Thạch Bàn (quận Long Biên), kéo mỏ ở xã Xuân Thu (Sóc Sơn)… hay những bài thuốc dân gian của người Dao ở huyện Ba Vì, kho tàng tri thức dân gian về nghề truyền thống, về ẩm thực… Thành phố hiện có sáu đơn vị nghệ thuật. Hầu hết các nhà hát đều là những cánh chim đầu đàn của quốc gia. Nhà hát Chèo và Nhà hát Kịch liên tục giành huy chương vàng trong các liên hoan toàn quốc. Nhà hát Múa rối Thăng Long được quốc tế công nhận là nhà hát duy nhất trên thế giới biểu diễn liên tục 365 ngày mỗi năm, là điểm đến thú vị với khách du lịch khi đến Hà Nội.


Thành phố cũng có hệ thống thiết chế văn hóa đồ sộ, gồm 23 thiết chế văn hóa cấp thành phố, tất cả các quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hóa thể thao, 2.152 trong tổng số 2.528 thôn, làng có nhà văn hóa (đạt hơn 85%) 1.727 trong tổng số 5.452 tổ dân phố có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Những năm gần đây, thành phố đang mở rộng xây dựng các trung tâm thể thao cộng đồng phục vụ nhân dân. Đối với thể thao thành tích cao, vận động viên Hà Nội thường đem về ít nhất một phần ba tổng số huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động văn hóa - thể thao của Hà Nội hiện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo Trưởng phòng Quản lý di sản Phạm Thị Lan Anh, nếu mỗi năm, một di tích của Hà Nội chỉ quét vôi ve lại với kinh phí một triệu đồng, thì toàn thành phố sẽ phải chi tới… gần 6.000 tỷ đồng. Điều đó giải thích tại sao, hàng loạt di tích của Hà Nội đang bị xuống cấp mà bế tắc trong công tác huy động vốn. Hiện thành phố có tới 200 di tích đứng trước nguy cơ sập đổ. Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, Nghệ sĩ Quốc Anh cho biết, nghệ thuật truyền thống hiện nay không “ăn khách”, các nghệ sĩ phải đi đến các cơ quan để… bán vé. Trong khi đó, đầu tư của Nhà nước cho các đoàn nghệ thuật còn hạn chế. Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công lập tiến tới phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tiền lương. Điều này khiến anh em nghệ sĩ hết sức lo lắng. Đồng quan điểm này, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu chia sẻ, nếu thực hiện tự chủ mà thành phố không có hỗ trợ thì có đến hai phần ba số diễn viên sẽ nghỉ việc.

Đối với lĩnh vực thể thao, tuổi nghề của vận động viên thể thao là rất ngắn. Sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu thể thao, chỉ một số nhỏ vận động viên được tuyển vào các cơ quan để tiếp tục công tác, nhiều cựu vận động viên sau này phải bươn chải cuộc sống bằng nhiều nghề khác nhau, khiến một số vận động viên chưa hết mình cống hiến. Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao Đinh Văn Luyến cho biết thêm: “Luyện tập thể dục, thể thao đang là nhu cầu của cộng đồng. Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy về Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chỉ đề cập đến việc tăng cường xã hội hóa các dụng cụ thể thao phục vụ cho thể thao quần chúng. Tôi cho rằng, cùng với tăng cường xã hội hóa, thành phố cần bố trí đầu tư ngân sách xây dựng các khu tập luyện thể thao ngoài trời cho nhân dân”.

Trong buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về nhiệm vụ công tác năm 2018, xây dựng, phát triển văn hóa - thể thao trong giai đoạn 2019-2020, đại diện các sở, ngành liên quan đã giải đáp một số thắc mắc, kiến nghị của ngành văn hóa. Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải thừa nhận, mỗi năm thành phố đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng cho hoạt động văn hóa - thể thao. Mức đầu tư này còn thấp, nhất là thành phố có nhiều di tích đang xuống cấp. Sở Tài chính đang phối hợp các cơ quan rà soát di tích xuống cấp, thiết chế văn hóa để tìm các giải pháp đầu tư hợp lý. Về vấn đề tự chủ theo Nghị định 16, cơ chế tài chính hiện nay cho phép khai thác tài sản công. Đây là tiền đề để các đoàn nghệ thuật có thể khai thác, từng bước tự chủ. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, hiện nay một số địa phương không muốn được công nhận di tích để tránh bị quản lý. Vốn đầu tư tu bổ còn thiếu, song thành phố đã phân cấp quản lý; vậy nên, cần có cơ chế phân cấp đầu tư phù hợp, quy định mức hỗ trợ của thành phố đối với những huyện nhiều di tích nhưng còn khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng, văn hóa, thể thao là một trong những lĩnh vực có kết quả nổi bật trong nửa nhiệm kỳ công tác vừa qua của thành phố. Việc mở ra không gian văn hóa mới là phố đi bộ đã giúp cho quận Hoàn Kiếm tăng nguồn thu từ hơn 5.000 tỷ đồng/năm lên hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Điều này cho thấy, văn hóa là nền tảng, nếu được khai thác tích cực sẽ tạo động lực cho sự phát triển mạnh về kinh tế. Đồng chí khẳng định, thành phố sẽ dành nguồn lực hợp lý để xây dựng các thiết chế văn hóa và chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng đề án theo hướng bảo tồn, tôn tạo lâu dài, tránh tư duy chống xuống cấp kiểu qua loa, tạm bợ. Đồng chí nhấn mạnh: “Hà Nội hợp lưu của văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài. Chúng ta có trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vinh dự, phải xây dựng phát triển văn hóa Hà Nội xứng đáng với vị trí Thủ đô, đáp ứng mong đợi của người dân cả nước”.