Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường

Nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thời gian qua TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và bước đầu đạt hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường cần sớm được tháo gỡ.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội rắc chế phẩm Redoxy -3C làm sạch hồ Nghĩa Tân.
Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội rắc chế phẩm Redoxy -3C làm sạch hồ Nghĩa Tân.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã phổ biến, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên chuyển biến tích cực.

Thành phố đã hoàn thành việc nâng cao năng lực dự báo; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Triển khai có hiệu quả các hoạt động nâng cao nhận thức, gắn kết lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, giảm mức phát thải khí nhà kính, hoàn thành mục tiêu từ 8 đến 10% trên đơn vị GDP so với năm 2010.

Hà Nội đã tập trung xử lý ô nhiễm các hồ nước bằng chế phẩm Redoxy-3C, góp phần cải tạo môi trường khu dân cư, nâng cao đời sống nhân dân; đổi mới công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và thu gom xử lý nước thải. Thành phố đã vận hành ổn định 10 trạm quan trắc không khí tự động, truyền số liệu 24 giờ trong ngày về trung tâm để xử lý, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường. Hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành Trạm quan trắc môi trường tự động về nước thải và không khí tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Ðáng chú ý, Hà Nội đã cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu theo kết quả kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng đô thị; phát triển, sử dụng năng lượng, vật liệu xây dựng, thoát nước...

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 24, nhất là về công tác bảo vệ môi trường. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Ðông cho biết: Công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tăng cường, nhưng việc xử lý chưa dứt điểm. Một số nơi vẫn xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, xử lý từ đầu. Công tác thanh tra còn hạn chế do lực lượng thanh tra còn mỏng và không có hệ thống thanh tra chuyên ngành. Việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc… Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường. Hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 toàn bộ người dân Thủ đô được tiếp cận nước sạch…

Mới đây, tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24 (Ban chỉ đạo) với TP Hà Nội, lãnh đạo UBND thành phố đề xuất Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ðồng thời bổ sung thêm các quy định quản lý đặc thù đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề. Ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Phân cấp hơn nữa cho các địa phương và ban hành cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp cận với công nghệ mới và các nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm.

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Thường trực Kinh tế T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cao Ðức Phát nhấn mạnh, đối với nhân loại, thế kỷ 21 không có thách thức nào lớn hơn thách thức về biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, bên cạnh việc chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đất nước, Thủ đô phát triển bền vững. Ban chỉ đạo sẽ tập hợp những kiến nghị của TP Hà Nội trong quá trình thực hiện Nghị quyết 24, đề xuất với Bộ Chính trị chỉ đạo hệ thống chính trị có giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết quan trọng này của Ðảng trong thời gian tới.