Vững vàng vượt qua đại dịch (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 5: Tiên phong phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch

Dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã... phải sản xuất cầm chừng, thậm chí phải tạm dừng hoạt động. Thành phố đã có nhiều giải pháp để vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bắt nhịp đà tăng trưởng sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP Hà Nội với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: DUY LINH
Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP Hà Nội với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: DUY LINH

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Ngay giữa thời điểm thực hiện công tác phòng, chống dịch, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố làm việc với Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội và 11 tổng công ty lớn của thành phố để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Từ đó đưa ra những chỉ đạo quan trọng để giải quyết các vấn đề kinh tế của Thủ đô. Đó là tăng cường sản xuất nông nghiệp để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, làm việc với các đơn vị thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công... Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và thành phố như: Giãn, giảm, miễn nhiều loại thuế, phí cho doanh nghiệp; giảm lãi suất vốn vay, giãn cách nợ vay ngân hàng; đẩy mạnh các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính… Cộng đồng doanh nghiệp thành phố đánh giá, những giải pháp này như “máy trợ thở”, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sự sát cánh của thành phố đã góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp thêm vững tin, chủ động, sáng tạo trong thực hiện “nhiệm vụ kép”. Khi chuỗi cung ứng trong lĩnh vực dệt may bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp dệt may của Hà Nội đã nhanh chóng chuyển sang may khẩu trang kháng khuẩn, quần áo bảo hộ. Trong tháng 3 và tháng 4, Công ty Dệt kim Đông Xuân đã đưa ra thị trường gần bảy triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Tổng công ty May 10 sản xuất 27 triệu khẩu trang/tháng. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, việc sản xuất khẩu trang đã bù đắp tình trạng thiếu hụt đơn hàng do dịch Covid-19, duy trì đời sống cho hơn 12 nghìn người lao động. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, các đơn vị này còn xuất khẩu hàng trăm triệu khẩu trang sang thị trường Mỹ, Đức...

Để không ai bị bỏ lại phía sau, thành phố triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai chương trình tặng lương thực, thực phẩm miễn phí cho người nghèo trong 10 ngày (từ ngày 15 đến 25-4) tại nhiều địa điểm. Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã vận động các chủ nhà trọ giảm giá tiền thuê nhà cho công nhân. Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội đã phát động “Chiến dịch 10 nghìn việc làm vì cộng đồng chống thất nghiệp mùa dịch”. Thành phố xây dựng một số nhóm chính sách đặc thù như hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong ba tháng cho sinh viên, công nhân…

Cùng với đó, thành phố nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống. Sáng 30-4, ông Vũ Bá Ước, ở ngõ 8A, phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa được cháu đưa ra UBND phường Ô Chợ Dừa nhận hỗ trợ. Xúc động khi nhận số tiền hỗ trợ từ cán bộ phường, ông Ước chia sẻ: “Với những người nghèo, người đã nghỉ hưu, không còn khả năng lao động, số tiền hỗ trợ này thật đáng quý”. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong chi trả đợt 1 gói hỗ trợ an sinh xã hội. Đến nay, 415 nghìn đối tượng là người có công; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí là gần 506 tỷ đồng. Việc rà soát năm nhóm đối tượng thuộc diện thụ hưởng đợt 2 tiếp tục được các ngành, địa phương vào cuộc triển khai quyết liệt từ giữa tháng 5. Đến ngày 4-6, thành phố đã tiếp nhận hơn 85 nghìn hồ sơ của người sử dụng lao động và người lao động đề nghị hỗ trợ, trong đó có hơn 82.500 hồ sơ là đối tượng lao động tự do.

Bắt nhịp đà tăng trưởng

Khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, Hà Nội trở lại nhịp sống sôi động vốn có. Không khí hồ hởi, khẩn trương lao động, sản xuất, kinh doanh lan khắp thành phố, đưa Hà Nội bước vào giai đoạn "bình thường mới" với nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh tăng trưởng, khôi phục kinh tế, đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2020 tăng gấp 1,3 lần so với bình quân chung của cả nước.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng nội địa, ngày 28-5, Hà Nội phối hợp Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020. Hơn 200 doanh nghiệp đã phấn khởi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của mình, cùng nhau ký các biên bản ghi nhớ hợp tác, kết nối cung cầu. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh nhấn mạnh: “Qua dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã có những bài học, kinh nghiệm quý để chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, không để quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, chú trọng hơn tới thị trường nội địa. Đồng thời, tổ chức cơ cấu lại phương thức tổ chức, quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để có thể giảm thiểu tác động bởi điều kiện khách quan”.

Trong các phiên họp tập thể UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19, sẵn sàng ứng phó các tình huống phát sinh; triển khai nhanh chóng, kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ và thành phố hỗ trợ, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền thành phố và sự bắt nhịp nhanh chóng của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô đã dần khôi phục. Hầu hết các chỉ tiêu kết quả sản xuất, kinh doanh của thành phố trong tháng 5 đều tăng so tháng 4-2020. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 12,3%. Tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 20,9%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.120 triệu USD, tăng 4,7%. Đối với thu hút đầu tư trong nước, thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư 29 dự án, tổng số vốn phê duyệt và tăng thêm là 9.058 tỷ đồng; thành lập mới 12.260 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 181,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, 3.669 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Hà Nội cũng đã mở cửa đón khách du lịch trở lại, với nhiều giải pháp như tổ chức các lễ hội văn hóa, các chương trình khuyến mại, nâng cao chất lượng phục vụ.

Chỉ ít ngày nữa, ngày 27-6, Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển". Đây là thông điệp mạnh mẽ của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, ổn định đối với các nhà đầu tư. Qua đó cũng thể hiện Hà Nội quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch.

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và cả nước. Nhưng trong khó khăn càng khẳng định bản lĩnh của hệ thống chính trị của đất nước nói chung, của thành phố nói riêng, giúp nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu của thành phố để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025.

-----------------------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 9-6-2020.