Vui Tết Trung thu an toàn

Chưa đầy nửa tháng nữa đến Tết Trung thu. Tại thị trường Hà Nội, các loại bánh, thực phẩm, đồ chơi… phục vụ dịp lễ này đã được bày bán rộng rãi. Nhiều đơn vị, cơ sở cũng đang lên kế hoạch tổ chức vui Tết Trung thu cho các em thiếu nhi, gia đình.

Ngày lễ đến, cùng với niềm háo hức còn có cả nỗi lo về an toàn thực phẩm (ATTP), đồ chơi độc hại và phòng dịch Covid-19.

Từ ngày 15-9, bốn đoàn kiểm tra liên ngành y tế, nông nghiệp, công thương và quản lý thị trường đã đi kiểm tra công tác ATTP Tết Trung thu năm 2020 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Kiểm tra cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên phố Trường Chinh (quận Ðống Ða) cho thấy, cơ sở này vẫn còn thiếu một số điều kiện về bảo đảm ATTP như: khu chế biến thực phẩm chưa có lưới chắn côn trùng; giấy khám sức khỏe của những người trực tiếp sản xuất đã hết hạn. Bên cạnh đó, hoạt động nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh các sản phẩm bánh, đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng… cũng đang gia tăng. Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, chỉ trong ít ngày, Cục đã kiểm tra, phát hiện sáu vụ vi phạm về ATTP liên quan bánh và các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu, qua đó tạm giữ, xử lý hơn 31 nghìn sản phẩm các loại, phạt gần 60 triệu đồng…

Tại nhiều cơ sở giáo dục, trung tâm chăm sóc trẻ em, điểm tham quan, du lịch… trên địa bàn đang lên các kế hoạch tổ chức hoạt động vui Tết Trung thu. Trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, các hoạt động này càng cần đề cao yếu tố an toàn cho người tham gia. Do đó, các cơ sở cần tiếp tục hạn chế tổ chức các chương trình, sự kiện thu hút nhiều người tham gia.

Ðể ngày Tết Trung thu thật sự an toàn và ý nghĩa với trẻ em và các gia đình, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng, thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về ATTP, kinh doanh đồ chơi trẻ em độc hại, nguy hiểm, công khai danh tính để người tiêu dùng biết và tránh mua, sử dụng. Ðồng thời, mọi người cần bảo đảm thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, như thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong các quy trình sản xuất, kinh doanh; giãn cách đúng quy định khi mua hàng...

Người dân không nên tích trữ đồ ăn, chen lấn khi mua hàng, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt…

Việc tổ chức các hoạt động "Tết Trung thu" phải thiết thực, vui tươi, phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Ðặc biệt, cần dành sự quan tâm, ưu tiên tới trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để mọi trẻ em đều có một Tết Trung thu đúng nghĩa.

Gia Minh