Vì môi trường du lịch an toàn, thân thiện

Du lịch Hà Nội đang tăng trưởng mạnh. Một trong những yếu tố làm nên "thương hiệu" du lịch Thủ đô là môi trường an toàn, thân thiện. Song, ít ai biết rằng, để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", hoạt động thanh tra du lịch vừa phải xử lý nghiêm minh các vi phạm, mà vẫn phải tinh tế, khéo léo để giữ hình ảnh đẹp trong con mắt khách du lịch.

Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nhiều người vẫn nghĩ hoạt động của thanh tra du lịch chủ yếu là... xử phạt vi phạm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Nhưng thực tế không hẳn như thế. Trung bình mỗi ngày, thành phố có hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến và đi. Trên địa bàn thành phố có 3.546 cơ sở lưu trú du lịch; hàng trăm doanh nghiệp lữ hành và khoảng hơn 120 điểm đến... nhưng đội ngũ Thanh tra Du lịch chỉ có tám người. Chi bộ Thanh tra Du lịch lại là Chi bộ non trẻ, mới được nâng cấp thành Chi bộ từ tháng 8-2017, với bảy đảng viên. Trong khi đó, nhiệm vụ thường xuyên là kiểm tra, thanh tra, xử lý và phối hợp xử lý các vi phạm trong lĩnh vực du lịch, để bảo đảm môi trường du lịch an toàn, thân thiện với du khách. Nếu không có những sáng kiến trong công tác, mà chỉ "rải" tám con người để "quản" chừng ấy lĩnh vực, với hàng nghìn doanh nghiệp thì coi như nắm chắc thất bại. Chưa kể, nếu để xảy ra vi phạm rồi mới đến xử phạt thì ấn tượng của khách về hình ảnh Thủ đô đã bị ảnh hưởng.

Bí thư Chi bộ Thanh tra Sở Du lịch Vũ Công Huy chia sẻ: "Để hoàn thành được nhiệm vụ, Chi bộ Thanh tra Sở Du lịch quán triệt anh em quan điểm "lấy xây để chống" trong công việc. Trong các cuộc hội nghị, giao ban, các cuộc tập huấn, Thanh tra Sở Du lịch cũng như các phòng ban của Sở luôn chú ý tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp vận tải, cơ sở lưu trú thực hiện tốt các quy định pháp luật về du lịch, giải thích rõ với họ về thái độ, chất lượng phục vụ sẽ giúp khách du lịch cảm tình với Hà Nội và quay lại. Việc xử lý các vi phạm của các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành... cũng gắn với giáo dục, tuyên truyền. Thực hiện tốt điều này giúp chúng tôi có cơ chế "phòng vệ từ xa". Do đó, các doanh nghiệp dần dần nâng cao nhận thức, hoạt động đúng pháp luật". Phương thức này khiến cho Hà Nội có số lượng lớn công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, nhưng từ đầu năm đến nay, Thanh tra Du lịch Hà Nội chỉ phải xử phạt 20 tổ chức và 23 cá nhân vi phạm với tổng số tiền là 271 triệu đồng. Hà Nội chưa phải xử lý trường hợp hướng dẫn viên người nước ngoài nào; ngăn chặn sớm các tua du lịch "0 đồng". Các vi phạm về ta-xi dù, bắt chẹt giá đối với khách du lịch... đều giảm.

Trước đây, Sở Du lịch Hà Nội mới chỉ có đường dây nóng, thì nay đã được nâng cấp thành Tổng đài hỗ trợ du lịch; ngoài ra, còn có trung tâm hỗ trợ khách du lịch. Tính đến hết tháng 9-2018, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội tiếp nhận, giải quyết, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị cho 10.142 lượt khách. Những cuộc gọi phản ánh tiêu cực trong hoạt động du lịch có thể đến bất cứ lúc nào, nhất là những vụ việc xâm phạm quyền lợi của khách du lịch; hay những vụ việc khách du lịch ứng xử chưa văn minh cần sự can thiệp của cán bộ... Thời gian lưu trú của khách du lịch trên địa bàn có hạn, xử lý các vụ việc càng nhanh càng tốt để các vị khách bảo đảm lịch trình. Do đó, nhiều vụ việc, cán bộ thanh tra du lịch phải có mặt tại hiện trường ngay trong đêm. Lãnh đạo Thanh tra vừa phải động viên, khuyến khích anh em cán bộ, vừa phải trực tiếp tham gia hiện trường để nêu gương.

Đặc thù của ngành du lịch là "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, vậy nên, việc xử lý vi phạm, nhất là khi có sự hiện diện của khách du lịch phải được tiến hành hết sức tế nhị, khéo léo. Thí dụ như phát hiện hướng dẫn viên vi phạm quy định khi đang dẫn đoàn khách tham quan. Nếu thanh tra đột ngột và xử lý công khai, sẽ làm đoàn khách cảm thấy mất yên tâm, có thể ảnh hưởng đến lịch trình. Khi ấy, cán bộ thanh tra phải kín đáo mời hướng dẫn viên "làm việc" riêng. Nếu như cuộc làm việc kéo dài hơn 10 phút, cán bộ thanh tra sẽ trao đổi với đoàn khách rằng, công việc của lực lượng thanh tra là để bảo đảm quyền lợi cho các vị khách. Thanh tra du lịch không có chức năng kiểm tra, xử phạt khách du lịch, song thực tế, không ít khách du lịch ứng xử thiếu văn minh, vi phạm quy định. Sự tế nhị phải đặt lên hàng đầu. Cán bộ du lịch đôi khi phải đi theo khách cả đoạn đường dài về đến nơi khách lưu trú để nhắc nhở, hay phối hợp các cơ quan chức năng xử lý. Từ nền tảng công việc này mà việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố diễn ra hết sức thuận lợi tại Sở Du lịch nói chung, Thanh tra Sở Du lịch nói riêng.

Tính đến hết tháng 9-2018, du lịch Thủ đô đón gần 20 triệu lượt khách, tăng 9,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có hơn 4,3 triệu lượt khách quốc tế. Ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ, tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến, một trong những ấn tượng tốt đẹp của khách du lịch khi đến Thủ đô Hà Nội là môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Với Chi bộ Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội, thành công của công tác dân vận chính là sự hài lòng của khách khi đến Thủ đô.