Vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để khai thác các nguồn lực

Ngày 19-6-2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, nhằm tạo điều kiện cho Thủ đô khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo chủ động trong việc thu chi ngân sách. Vấn đề đặt ra là, thành phố làm thế nào để có thể vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù này.

Bí thư Thành ủy Vương Ðình Huệ phát biểu ý kiến tại buổi làm việc về triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”. Ảnh: Ðăng Anh
Bí thư Thành ủy Vương Ðình Huệ phát biểu ý kiến tại buổi làm việc về triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”. Ảnh: Ðăng Anh

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà, Nghị quyết số 115/2020/QH14 cho phép Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định. Dự kiến, với nguồn thu này, Hà Nội có thêm được 18 nghìn tỷ đồng. Trong đó, sẽ sử dụng khoảng 10 nghìn tỷ đồng thu được trong giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư xây dựng dự án đường sắt đô thị số 5: Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Sau khi thành phố Hà Nội tự bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, Nghị quyết cho phép HÐND thành phố được quyền quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Với cơ chế này, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến bố trí được 8.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, thành phố cho phép một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Nam Từ Liêm… sử dụng 700 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của quận mình, chuyển sang chi đầu tư phát triển trên địa bàn.

Nghị quyết số 115/2020/QH14 cũng cho phép Hà Nội sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước; cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, bốn quận Thanh Xuân, Hà Ðông, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đã đề xuất hỗ trợ các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Ðức, Quốc Oai tổng số tiền 109 tỷ đồng. Các quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm đề xuất hỗ trợ bảy huyện khoảng 162 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, hiện có tình trạng các huyện tự liên hệ với các quận để được hỗ trợ, khiến cho việc hỗ trợ mang tính nhỏ lẻ, dàn trải. Nhiều huyện hiện gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư cho các trường học, trạm y tế… Do đó, cần tập trung các khoản hỗ trợ này về một đầu mối, ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, nhu cầu cấp bách…

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc triển khai Nghị quyết số 115 hiện còn một số vướng mắc, khó khăn. Do một số cơ chế, chính sách đặc thù vẫn còn phụ thuộc vào Trung ương, cho nên Hà Nội không chủ động được trong công tác xây dựng kế hoạch và dự báo. Ðơn cử, như khoản thu từ sắp xếp tài sản công của Trung ương phải do Bộ Tài chính xác định. Hay khó khăn trong quy định HÐND thành phố quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu bao gồm: phòng cháy, chữa cháy, thu gom, xử lý rác, cấp nước, thoát nước, điện, thiết bị… của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã sẽ khó bảo đảm được tính kịp thời và phù hợp với khả năng bố trí ngân sách. Bởi hầu hết các dự án này có quy mô nhỏ, tính chất đơn giản với số lượng nhiều và mức vốn không lớn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương rà soát, hoàn thiện từng nội dung thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 trên cơ sở tính toán căn cơ về giải pháp, lộ trình, bảo đảm tính khả thi cao và kịp thời trình HÐND thành phố trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong đó, phải vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách mới đã được Trung ương cho phép như giải phóng mặt bằng theo cơ chế rút gọn hay ứng trước từ nguồn dự trữ tài chính...

Bên cạnh vận dụng để tăng nguồn thu và tính chủ động, cũng cần đẩy mạnh tiết kiệm các khoản chi không cần thiết, ưu tiên chi cho các dự án, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề dân sinh bức xúc như cấp nước, thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông...; tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng khung, kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng cho những huyện đang phấn đấu lên quận hoặc xây dựng nông thôn mới... Ðồng chí Vương Ðình Huệ lưu ý, việc thực hiện các cơ chế liên quan đến tài chính, ngân sách phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, không được phép vi phạm nguyên tắc, không để tồn tại cơ chế “xin - cho” và phải nhất quán, rõ ràng, mạch lạc.