Ðừng gây áp lực cho con trẻ

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10 năm học 2020 - 2021 của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Ðại học Ngoại ngữ - Ðại học Quốc gia Hà Nội), ngày 6-7, hàng loạt các lớp luyện thi vào trường này chính thức mở cửa trước sự chờ đợi từ nhiều tuần trước của phụ huynh học sinh từ lớp 3 đến lớp 8 ở Hà Nội, cũng như một số tỉnh, thành phố lân cận.

Nhìn vào lịch luyện thi ba môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh của các em, không ít người e ngại, bởi mỗi buổi học của các em đều kéo dài ba giờ, được bố trí vào chiều thứ bảy, sáng và chiều chủ nhật hằng tuần.

Như vậy, để theo một khóa luyện thi tại đây, học sinh sẽ mất hoàn toàn hai ngày nghỉ cuối tuần. Trong khi đối với học sinh bậc tiểu học, quy định không được phép dạy thêm, học thêm để bảo đảm quyền được học tập và phát triển phù hợp với tâm lý, thể chất lứa tuổi của trẻ, vẫn đang có hiệu lực.

Cuộc đua vào các trường THPT chuyên trên địa bàn Hà Nội vẫn nóng lên từng ngày. Năm nay, tỷ lệ "chọi" vào lớp chuyên tiếng Anh của Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội lên tới 1/30 học sinh. Trường có 305 chỉ tiêu cho chín lớp chuyên, nhưng đã có gần 5.000 học sinh đăng ký dự thi.

Ðây chỉ là một thí dụ phản ánh tính chất cạnh tranh cao để được vào các trường chuyên. Thực tế để chọn 2% học sinh vào 76 trường THPT chuyên trên cả nước, thì việc đầu tư cho các em học thêm, ôn luyện từ khi học tiểu học là chặng đường được nhiều gia đình lựa chọn và quyết tâm theo đuổi.

Năm nay, không ít học sinh dự thi vào lớp 6 và lớp 10 Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Ðại học Ngoại ngữ - Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đề thi môn Toán như "đánh đố" học sinh, còn đề thi môn tiếng Anh thì quá khó. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ học sinh đều hiểu, muốn thi đỗ trường chuyên chắc chắn phải luyện thi, chứ khó có thể trông vào năng khiếu tự nhiên của các em.

Theo hiệu trưởng một trường THPT chuyên ở Hà Nội, học chuyên chỉ phù hợp với những học sinh có năng lực vượt trội. Hơn nữa, các em cần có đam mê, yêu thích, sự kiên trì để có thể thích nghi được với cách đào tạo chuyên sâu của khối chuyên. Ðiều này được xem như những đặc điểm cá nhân của học sinh và hoàn toàn khác biệt với những điều có được từ những buổi luyện thi triền miên.

Ở đây có thể thấy, thay vì nhìn nhận khách quan con em mình có năng khiếu thật sự hay không, thì cha mẹ học sinh lại tìm cách dồn ép con mình chạy đua học thêm, luyện thi để đối phó với kỳ tuyển sinh vào lớp chuyên, trường chuyên.

Ðể đáp ứng sự kỳ vọng của các bậc cha mẹ học sinh, nhiều biến tướng của mô hình đào tạo chuyên đã hình thành khiến dư luận băn khoăn trước những tên gọi như lớp "cận chuyên", lớp "chất lượng cao" và tuyển sinh cả bậc THCS, trong khi quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) là chỉ tổ chức mô hình đào tạo chuyên với các trường THPT. Mới đây nhất, lãnh đạo Bộ GD và ÐT cho biết, mô hình trường chuyên đang "chờ" được đánh giá chất lượng toàn diện sau 10 năm triển khai đề án phát triển trường chuyên giai đoạn 2010 - 2020.

Thừa nhận việc cần thiết phải sớm có đánh giá tổng thể về những ưu điểm, cũng như những điểm chưa phù hợp của mô hình trường chuyên, căn cứ vào đó sẽ xác định hướng đi căn bản cho mô hình trường chuyên trong thời gian tới, đại diện Bộ GD và ÐT cho biết, việc tổng kết sẽ được đẩy nhanh hơn thời điểm dự kiến ban đầu là tháng 12-2020.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ học sinh vẫn "khởi động" sớm công cuộc chạy đua cho con ôn luyện để thi vào trường chuyên, thay vì chờ đợi những đánh giá toàn diện như Bộ GD và ÐT đã lên tiếng.