Ứng dụng mạng xã hội vào quản lý đô thị

Những hiệu quả rõ rệt từ việc ứng dụng mạng xã hội vào công tác quản lý đô thị tại một số quận của thành phố Hà Nội thời gian qua cho thấy, mô hình hay này cần sớm được nhân rộng.

Đội quản lý trật tự đô thị phường Gia Thụy, quận Long Biên chụp các lỗi vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn qua điện thoại di động.
Đội quản lý trật tự đô thị phường Gia Thụy, quận Long Biên chụp các lỗi vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn qua điện thoại di động.

Bắt nguồn từ mong muốn giải quyết những vấn đề vướng mắc của người dân về trật tự đô thị và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác bảo vệ môi trường, từ đầu tháng 8-2018, UBND phường Mộ Lao (quận Hà Đông) đã lập group Đô Thị Mộ Lao trên mạng xã hội Zalo để xử lý giải quyết công tác quản lý đô thị của phường.

Tham gia group này, ngoài thành phần cán bộ, công chức của phường thì phần lớn thành viên trong nhóm chính là những người dân trên địa bàn. Khi người dân phát hiện vụ việc, đưa lên trong nhóm, lãnh đạo phường sẽ tiến hành chỉ đạo giải quyết một cách nhanh nhất. Nhờ đó, chỉ sau một tháng ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị, phường Mộ Lao đã xóa được bảy điểm đen về rác thải, tình trạng người dân tự ý đổ phế liệu ra đường đã chấm dứt, đường phố luôn được vệ sinh sạch sẽ.

Từ ngày 1-6-2018, UBND phường Gia Thụy (quận Long Biên) cũng trang bị điện thoại thông minh có kết nối mạng in-tơ-nét cho Đội quản lý trật tự đô thị, thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động như: Facebook, Zalo, Life 360 để phản ánh trực tiếp các vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn thông qua trang “Quản lý đô thị Gia Thụy”. Cán bộ trật tự đô thị, trật tự xây dựng tiếp nhận thông báo từ người dân, với các dữ liệu về vị trí vi phạm được hiển thị trên bản đồ Life 360 và hình ảnh liên quan được gửi kèm qua Zalo, làm căn cứ để báo cáo lãnh đạo UBND phường có quyết định xử lý trực tiếp hoặc phối hợp với cảnh sát trật tự xuống hiện trường giải quyết.

Tại quận Cầu Giấy, việc sử dụng mạng xã hội cho công tác quản lý được triển khai từ năm 2016 và đến nay đã phát huy hiệu quả. Theo đó, các cán bộ lãnh đạo quận, phường, các phòng, ban chức năng tham gia vào một nhóm trong ứng dụng Zalo hay Viber trên điện thoại thông minh. Khi phát hiện trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, các cán bộ phường, quận đều có trách nhiệm chụp ảnh, thông tin về địa điểm, ngày, giờ phản ánh lên nhóm. Từ đó, lãnh đạo các phường biết để chỉ đạo xử lý, sau đó thông tin, báo cáo lại kết quả ngay trên nhóm để lãnh đạo quận nắm rõ. Lúc đầu, có vi phạm được phát hiện đưa lên trong một tuần vẫn chưa giải quyết, lãnh đạo quận trực tiếp xuống chỉ đạo xử lý và phê bình lãnh đạo phường. Rút kinh nghiệm việc này, đến nay, hầu hết các vụ việc đều được giải quyết trong khoảng một giờ đồng hồ, sau khi lãnh đạo địa bàn nhận được phản ánh.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà đánh giá, kể từ khi áp dụng biện pháp thông tin trên điện thoại thông minh, những vi phạm được phản ánh và xử lý dứt điểm, công khai, minh bạch. Ngoài việc các phòng chức năng của quận bám sát được tình hình cơ sở thì các phường cũng có thể theo dõi chéo lẫn nhau.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình này, quận Cầu Giấy đã triển khai mở rộng nhóm trong các ứng dụng điện thoại thông minh tới chi bộ, tổ dân phố. Khi người dân phản ánh lên, các cán bộ tổ dân phố, phường phản hồi lại kết quả xử lý sự việc để thông tin hai chiều. Từ đó tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo đảm trật tự, văn minh đô thị và vệ sinh môi trường.

Cũng với cách làm ấy, quận Đống Đa đã thực hiện tốt hơn công tác quản lý đô thị. "Mỗi khi phát hiện vi phạm, các thành viên đăng hình ảnh lên nhóm mạng Zalo kèm theo yêu cầu xử lý. Qua đó các vi phạm được xử lý trực tiếp, giảm bớt các khâu trung gian, bảo đảm kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị và ý thức của quần chúng nhân dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp quận xử lý vụ việc trên địa bàn nhanh chóng, cả trong ngày nghỉ", Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Hà Anh Tuấn chia sẻ. Nhờ đó, trong chín tháng đầu năm 2018, quận đã xử lý 850 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường qua ứng dụng mạng xã hội Zalo. Trong đó, có 550 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, 200 trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường và 100 trường hợp vi phạm khác…

Tại hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là một trong những đô thị lớn trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Cũng như nhiều đô thị khác, Hà Nội đang gặp phải những thách thức đến từ tốc độ đô thị hóa nhanh; các vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... Nhưng những khó khăn, thách thức này có thể được giải quyết một cách căn bản nếu phát triển theo định hướng một đô thị thông minh. Do đó, việc sớm nhân rộng mô hình ứng dụng mạng xã hội vào quản lý là rất cần thiết, không chỉ trong công tác quản lý đô thị, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác để hướng tới một Hà Nội văn minh, hiện đại.