Ðưa sản phẩm nông nghiệp sạch tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại

Việc kết nối các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp với hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ giải quyết được nhu cầu cung - cầu hàng hóa từ cả hai phía. Quan trọng hơn, hoạt động này còn giúp xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường cho nông sản trong nước.

Các mặt hàng nông sản trong nước được giới thiệu, bày bán trong hệ thống siêu thị Big C.
Các mặt hàng nông sản trong nước được giới thiệu, bày bán trong hệ thống siêu thị Big C.

Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cung ứng cho hệ thống siêu thị Big C khoảng 254,4 tấn rau, củ, quả, chiếm tới 32,6% tổng sản lượng rau của HTX này ra thị trường. Ðại diện HTX cho biết, nhờ có mặt trên các kệ hàng của siêu thị, sản phẩm rau sạch Chúc Sơn đã được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, từ đó tăng doanh số bán hàng, giúp HTX có kế hoạch sản xuất lâu dài. Giữa năm 2018, Bộ Công thương phối hợp các Sở Công thương tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình cùng Tập đoàn Central Group Việt Nam tổ chức Tuần lễ cá đặc sản sông Ðà tại Hà Nội. Qua đó, các sản phẩm cá sông Ðà được trưng bày, giới thiệu sản phẩm và quảng bá thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại. Ông Phạm Quang Thịnh, Giám đốc doanh nghiệp cá sông Ðà Cường Thịnh cho biết, từ khi sản phẩm cá sông Ðà được đưa vào siêu thị, bày bán tại những vị trí thuận lợi nhất và được phía siêu thị tạo điều kiện hỗ trợ quảng bá, giới thiệu thông tin, các sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, chấp nhận và lựa chọn tiêu dùng. Cũng qua đó, đơn vị được nhiều tổ chức, cá nhân trong nước tiêu thụ sản phẩm hơn, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Thời gian qua, nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản địa phương như cam Cao Phong, nhãn Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, su su Nghệ An… đã được triển khai liên tục tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, doanh số tiêu dùng các sản phẩm tăng nhanh chóng, lên đến hàng trăm tấn hàng hóa mỗi chương trình. Theo đại diện các siêu thị, người tiêu dùng rất ưa chuộng và yên tâm khi mua những sản phẩm nông sản này vì có nguồn gốc rõ ràng. Nhờ có tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm, khách hàng có thể sử dụng điện thoại để quét mã truy xuất và nắm được thông tin xuất xứ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, việc kết nối sản phẩm nông sản của các HTX với hệ thống siêu thị sẽ giải quyết được nhu cầu từ cả hai phía. Phía siêu thị được đáp ứng nguồn hàng chất lượng, bảo đảm để đưa đến người tiêu dùng, còn các HTX có đầu ra ổn định để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Phía các siêu thị cũng mong muốn có thể khai thác nguồn hàng ngay tại địa phương để thuận tiện trong việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc và giảm các chi phí vận chuyển.

Việc đưa được hàng hóa bày bán trong hệ thống siêu thị là mục tiêu của hầu hết các HTX sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng đủ các yêu cầu của hệ thống bán lẻ hiện đại là điều không đơn giản. Giám đốc thu mua hàng hóa khu vực miền bắc của siêu thị Big C Phạm Thị Thùy Linh cho biết, quy trình hàng hóa vào siêu thị Big C phải trải qua năm bước gồm: duyệt hồ sơ; đàm phán và ký hợp đồng; tạo dữ liệu HTX và hàng hóa trên hệ thống; đặt hàng và giao hàng. Trong đó, hồ sơ của nhà cung cấp phải có đủ các loại giấy tờ như: Ðăng ký kinh doanh; thông báo tài khoản ngân hàng; giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, hồ sơ công bố chất lượng; các giấy chứng nhận khác nếu có; báo giá và hàng mẫu. Sau khi HTX cung cấp hồ sơ cho bộ phận thu mua của siêu thị, hồ sơ được duyệt, bộ phận thu mua sẽ đến tận HTX để kiểm tra thực tế.

Yêu cầu khắt khe là vậy cho nên trong số hàng nghìn HTX trên cả nước, hiện mới có 40 HTX có thể hợp tác với hệ thống siêu thị Big C. Có những HTX mất ba đến bốn năm vẫn không đưa hàng vào được siêu thị, do thiếu hồ sơ giấy tờ, thủ tục. Ngoài ra, nhiều HTX còn yếu trong khâu sơ chế nông sản, chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều HTX bảo đảm các điều kiện, nhưng lại thiếu nhiệt tình trong việc cung cấp hàng như yêu cầu phía siêu thị phải đến tận nơi sản xuất lấy hàng, trong khi bên siêu thị yêu cầu giao - nhận hàng tại kho của siêu thị để kiểm định chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng hiện nay, khách hàng của hệ thống bán lẻ hiện đại không chỉ chọn hàng thông qua cảm quan với kinh nghiệm mà còn chú ý đến nguồn gốc sản phẩm, các quy chuẩn chất lượng như VietGAP hay GlobalGAP…, đòi hỏi các HTX nông nghiệp phải hoạt động chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Đại diện hệ thống bán lẻ hiện đại đều cam kết, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất, hộ nông dân và các HTX nông nghiệp trong việc đưa hàng hóa thâm nhập vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, để phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu. Thế nhưng, cùng với việc ký các hợp đồng hợp tác lâu dài giữa HTX và siêu thị, các bộ, ban, ngành liên quan cần có đề án, dự án hỗ trợ về cơ chế chính sách, nhất là hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm sản xuất an toàn theo xu hướng nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện cho nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.