Tuyên truyền văn hóa Hà Nội trong giới trẻ

Giới trẻ luôn nhanh nhạy với công nghệ và ưa thích những điều mới mẻ. Bởi vậy, việc tuyên truyền về văn hóa ứng xử nói chung, văn hóa Hà Nội nói riêng cũng cần những đổi mới. Ðó là lý do trang thông tin www.hanoidep.vn, cũng như fanpage "Tôi yêu Hà Nội" do Trung tâm Văn hóa Hà Nội quản lý, luôn có nhiều hoạt động phong phú, sinh động, tạo điều kiện thuận lợi để giới trẻ có thể tiếp cận.

Các bạn trẻ tham gia trải nghiệm ca trù Chanh Thôn (huyện Hoài Ðức).
Các bạn trẻ tham gia trải nghiệm ca trù Chanh Thôn (huyện Hoài Ðức).

Những ngày này, Trung tâm Văn hóa Kim Ðồng đang trưng bày 50 tác phẩm ảnh với chủ đề "Hà Nội 12 mùa hoa". Ðúng như tên gọi của triển lãm, các tác phẩm đều tập trung vào chủ đề hoa Hà Nội, gắn với từng thời điểm trong một năm. Ðó là mùa xuân, với sắc hồng của hoa đào, mầu đỏ của hoa gạo khi cuối xuân, sắc rực rỡ của hoa phượng, hoa bằng lăng khi hè về, hay mầu trắng tinh khôi của cúc họa mi vào thời điểm tiết đông bắt đầu sang… Mỗi tác phẩm thể hiện một nét đẹp riêng của những loài hoa, mang "chất" Hà Nội, đó là nét đẹp gắn với đời sống lao động, với cuộc sống hằng ngày, hay vẻ đẹp trong thưởng thức, cảm thụ hoa của người Hà Nội. Nhiều người ví, những bức ảnh được trưng bày giống như một "đồng hồ hoa" đo thời gian của Hà Nội. Ðiều đặc biệt, đây là cuộc thi ảnh theo hình thức mới. Ban Tổ chức đề cao tính tương tác. Sau khi phát động cuộc thi và tiếp nhận tác phẩm, Ban Tổ chức đăng tải trên fanpage "Tôi yêu Hà Nội" và website: Hanoidep.vn để cộng đồng bình chọn, trên cơ sở đó, mỗi tháng trao giải cho một tác giả có số lượt bình chọn cao nhất. Bên cạnh những tác phẩm được giải, những tác phẩm chất lượng nhất đã được lựa chọn đem đi triển lãm.

Năm 2013, Dự án "Hà Nội đẹp và chưa đẹp" - một dự án phát triển văn hóa cộng đồng thuộc Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" ra đời. Trang web chính thức là Hanoidep.vn. Khi đó, nội dung trang web tập trung vào tuyên truyền các hành động đẹp và chưa đẹp, chú trọng đến giới trẻ, vận động cộng đồng cùng tham gia, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về văn hóa Hà Nội. Năm 2018, Trung tâm Văn hóa thành phố tiếp quản dự án này, Phòng Kinh doanh và tổ chức sự kiện trực tiếp phụ trách các hoạt động. Bên cạnh kế thừa các hoạt động truyền thống, Dự án "Hà Nội đẹp và chưa đẹp", Trung tâm đã tìm tòi, đổi mới các hoạt động để thu hút cộng đồng hơn nữa. Cuộc thi ảnh "Hà Nội 12 mùa hoa" là một trong số đó. Tác giả của những bức ảnh không chỉ là những người chuyên nghiệp, mà còn có rất nhiều học sinh, sinh viên hay những người nghiệp dư khác, đam mê vẻ đẹp hoa Hà Nội, nhất là các sinh viên thuộc Câu lạc bộ Nhiếp ảnh sinh viên - Học viện Ngoại giao. Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hà Nội Dương Minh Châu cho biết: "Với hình thức tổ chức đề cao tính tương tác, 269 tác phẩm ảnh tham gia cuộc thi đã được 104 nghìn lượt người tiếp cận, trong đó, khoảng 10.600 lượt người đã tương tác trực tiếp với các tác phẩm ảnh".

Hoạt động trải nghiệm di sản truyền thống thông thường khá "kén" người tham gia. Tuy nhiên, với cách làm mới, chương trình "Về nguồn - Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội", với các trải nghiệm về: Múa trống bồng (Triều Khúc, Thanh Trì), hát ca trù (Chanh Thôn, huyện Hoài Ðức), hát xẩm, hát chèo… cũng được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Khi tổ chức chương trình, Trung tâm bắt đầu bằng việc ra mắt các hoạt động, tiếp đến, website: Hanoidep.vn và fanpage "Tôi yêu Hà Nội" có bài viết riêng về từng hoạt động trải nghiệm cụ thể và tuyển người tham gia bằng cách đăng ký trên mạng. Các hoạt động này tiếp tục được "tường thuật" đầy đủ trên website và mạng xã hội. Nhờ đó, không chỉ những người tham gia trực tiếp, mà cộng đồng cũng được biết thêm nhiều thông tin về các hoạt động tìm hiểu di sản nói riêng, sự hấp dẫn của những di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn nói chung.

Năm 2018, một hoạt động mới của dự án "Hà Nội đẹp và chưa đẹp" là cuộc thi hùng biện "Người Hà Nội". Cuộc thi đã thu hút 200 sinh viên đến từ 25 trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Các thí sinh phải trải qua các vòng khác nhau. Trong đó, có phần hùng biện về một vấn đề xã hội đang đặt ra mà thí sinh muốn gửi gắm thông điệp đến cộng đồng; hùng biện đối kháng về một vấn đề của Hà Nội. Ở cuộc thi chung kết, ba vấn đề lớn của Hà Nội được các thí sinh hùng biện đối kháng là: "Sinh viên ra trường ở lại Hà Nội để phát triển nghề nghiệp". "Kiến nghị cấm hoàn toàn các phương tiện giao thông hoạt động trên cầu Long Biên", "Người Hà Nội phát âm ngọng". Cuộc thi đã góp phần khuyến khích giới trẻ tự tin hơn trong việc nêu ý kiến về các vấn đề xã hội của Thủ đô, nâng cao kỹ năng hùng biện trước đông người.

Giới trẻ luôn nhanh nhạy với công nghệ và ưa thích những đổi mới. Bởi vậy, việc sử dụng website, kết hợp tận dụng lợi thế của mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của dự án "Hà Nội đẹp và chưa đẹp" đã thu hút đông đảo giới trẻ. Với cách làm mới, "Hà Nội đẹp và chưa đẹp" không chỉ là các hoạt động hạn hẹp trong những hành vi ứng xử, mà mở rộng, hướng giới trẻ cảm nhận nhiều nét đẹp cuộc sống, con người, di sản… của thành phố, qua đó, giúp giới trẻ thêm hiểu, thêm yêu và có trách nhiệm hơn đối với sự phát triển của Thủ đô.