Từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị

Chương trình 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020” dù mới triển khai được hai năm nhưng đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu cụ thể như kế hoạch đề ra, các cấp, các ngành phải vào cuộc nỗ lực, quyết liệt hơn nữa.

Toàn thành phố đã trồng được 843.300 cây trong chương trình trồng mới một triệu cây xanh. Ảnh: ĐĂNG ANH
Toàn thành phố đã trồng được 843.300 cây trong chương trình trồng mới một triệu cây xanh. Ảnh: ĐĂNG ANH

Nhiều chuyển biến rõ nét

Về huyện Đông Anh giữa những ngày hè, nhưng ai cũng cảm nhận được cái oi nóng giảm đi rất nhiều khi đi trên những con đường khang trang rợp bóng cây xanh. Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên, đây chính là thành quả sau hai năm triển khai Chương trình 06 của Thành ủy. Huyện đã đầu tư xây dựng hơn 90 đoạn đường nông thôn có tổng chiều dài hơn 50 km với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng; duy tu sửa chữa ba tuyến đường dài 5 km với tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng; đồng thời trồng thêm 10 nghìn cây xanh. Đến nay đã cấp nước sạch đô thị cho 15 xã, thị trấn trong tổng số 24 xã, thị trấn; đến năm 2019 huyện phấn đấu 100% số xã, thị trấn được cấp nước sạch. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác trong ngày đạt 100% ở khu vực đô thị và 98% ở khu vực nông thôn (các xã).

Tại nhiều địa phương khác, Chương trình 06-CTr/TU đạt nhiều kết quả khả quan. Tại quận Đống Đa, từ năm 2016 đến năm 2018, quận đã đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ đồng thực hiện 348 dự án trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội. Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ rác thải được thu gom, tỷ lệ chất thải y tế và chất thải nguy hại được xử lý đều đạt 100%. Tại quận Hai Bà Trưng, kết cấu hạ tầng đô thị có nhiều chuyển biến, tạo cảnh quan, giải quyết từng bước áp lực, bức xúc về giao thông, đô thị nhờ việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 1, đoạn từ Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (bao gồm cả cầu vượt), đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, công tác hạ ngầm, cải tạo hệ thống thoát nước, cấp nước sạch, chỉnh trang, bảo trì vỉa hè từng bước được cải thiện.

Đại diện cơ quan thường trực Chương trình 06-CTr/TU, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại của thành phố hai năm qua đã có những kết quả tích cực. Trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong lĩnh vực này đã có chuyển biến tích cực, ý thức của các tổ chức và nhân dân từng bước được nâng lên. Một số chỉ tiêu của Chương trình 06-CTr/TU như: Tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước sạch, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đã cơ bản đạt được. Tính đến hết năm 2017, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 950 nghìn m3/ngày đêm, tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch gần đạt 100%; tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đến hết năm 2018 dự kiến đạt hơn 55%. Ngoài ra, thành phố đang tiếp tục thực hiện 31 dự án cấp nước cho 239 xã. Khi hoàn thành sẽ nâng số xã được cấp nước lên 363 xã, nâng tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn lên 88%.

Sở Xây dựng cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh. Đến nay, toàn thành phố đã trồng được 843.300 cây xanh, đạt 84,3% mục tiêu chương trình.

Cần quyết tâm, nỗ lực hơn

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua các đợt kiểm tra mới đây, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là một số quy hoạch, kế hoạch đã được ban hành, nhưng sự chỉ đạo, triển khai kết quả chưa rõ nét; tiến độ thực hiện một số chỉ tiêu của Chương trình 06-CTr/TU còn chậm; một số công trình trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật triển khai chưa đáp ứng tiến độ. Thí dụ như Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn còn bảy dự án nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và đã được bố trí kế hoạch vốn để khởi công năm 2018 khởi công chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Các dự án đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục), đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở) của Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố đều đang chậm tiến độ do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Tại buổi làm việc với Sở Xây dựng vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, với vai trò cơ quan thường trực, Sở cần rà soát các chỉ tiêu trong Chương trình 06-CTr/TU để đề xuất các biện pháp giúp thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện trên phạm vi toàn thành phố, nhất là đối với các chỉ tiêu còn chậm để hoàn thành trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Đồng chí cũng yêu cầu các cấp, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, phối hợp các quận, huyện, sở, ngành kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý các vi phạm về quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường… để tạo chuyển biến rõ nét hơn cho Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy.