Truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ

Những ngày tháng 3 này, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật về sự ra đời, trưởng thành của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, về những tấm gương đoàn viên, thanh niên cống hiến vì Tổ quốc; tổ chức giao lưu, tọa đàm về thời thanh xuân của các chiến sĩ cách mạng.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày "Lửa thanh xuân".
Các đại biểu tham quan gian trưng bày "Lửa thanh xuân".

Di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành địa chỉ đỏ trong hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay.

Buổi giao lưu giữa những chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, tù đày với đại diện đoàn viên, thanh niên Thành đoàn Hà Nội diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, diễn ra vào sáng 15-3 thật ấm cúng và xúc động. Những chiến sĩ cách mạng năm xưa giờ tuổi đã cao, mang trong mình những vết thương thời chiến tranh, nhưng đôi mắt rạng ngời khi nhớ về thời thanh xuân sôi nổi. Những năm tháng ấy, họ đều ở độ tuổi mười sáu, đôi mươi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Tổ quốc, đứng lên cầm súng bảo vệ non sông. Bác Nguyễn Tài Triệu, nguyên cán bộ Nhà máy In tiền quốc gia là một trong số đó.

Nghe tin giặc Mỹ đàn áp phong trào cách mạng miền nam, hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng", năm 1965, khi tròn 16 tuổi, anh Nguyễn Tài Triệu cắn tay lấy máu viết đơn nhập ngũ. Hai năm sau, trong một trận chiến ác liệt tiến công ấp chiến lược Hòa Trị (nay thuộc TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), chàng thanh niên trẻ tuổi bị thương nặng và bị bắt làm tù binh. Khi ấy, vết thương ở đùi chảy rất nhiều máu.

Quân địch không chữa trị, nếu anh không chịu khai báo. Người chiến sĩ này tự nhủ: “Nếu bây giờ mình khai báo, tức là phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân” cho nên kiên quyết nói không. Địch bỏ mặc đôi chân thối rữa không cứu chữa. Chúng tiếp tục tra tấn dã man khiến anh phải cưa chân ba lần nữa. Vậy mà khi bị giam, người chiến sĩ trẻ vẫn tiếp tục hoạt động Đoàn, vẫn làm thơ để động viên các đồng chí vượt qua khó khăn. Sau khi được trả tự do năm 1973, người cựu chiến binh với chiếc nạng gỗ tiếp tục phục vụ nhân dân và cách mạng.

Công tác ở Nhà máy In tiền quốc gia, anh Nguyễn Tài Triệu làm Bí thư Chi đoàn trong nhiều năm sau đó. Nhớ lại những ngày tháng gian khổ, bác Nguyễn Tài Triệu nói: “Ngày ấy, còn nhiều anh em phải chịu hy sinh, đau đớn hơn chúng tôi nhiều. Chúng tôi thấy những đóng góp của mình còn hết sức nhỏ bé”. Câu chuyện về thời thanh xuân sôi nổi của bác Nguyễn Tài Triệu làm nhiều người trong buổi giao lưu không cầm được nước mắt.

Cũng giống như bác Triệu, bác Tống Trần Hội bị địch cắt hết gân từ đầu gối xuống mắt cá chân, chỉ có thể đi bằng hai xương chày. Vậy mà bác vẫn một lòng kiên trung theo Đảng, tiếp tục là một cán bộ đoàn xuất sắc…

Buổi giao lưu với những chiến sĩ cách mạng nguyên là cán bộ đoàn xuất sắc nằm trong khuôn khổ của hoạt động giao lưu, trưng bày mang chủ đề “Lửa thanh xuân”, tổ chức từ ngày 15-3 đến 30-6. Phần trưng bày tập trung giới thiệu về sự ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; tri ân những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đoàn viên, thanh niên trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước; với ba nội dung chính: Khúc ca tuổi trẻ, Ánh sao nơi tù ngục, Niềm tin và Khát vọng.

Ở trung tâm của trưng bày là tổ hợp Tượng đài tuổi trẻ Việt Nam lồng vào hình tượng ngôi sao năm cánh, và ngọn lửa tượng trưng cho lửa thanh xuân luôn rực cháy. Phần trưng bày Khúc ca tuổi trẻ đưa người xem ngược thời gian trở về thời điểm tháng 3-1931, khi Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương ra đời với một nhóm nhỏ tám thiếu niên. Phần Ánh sao nơi tù ngục kể về 12 tấm gương thanh niên tiêu biểu từng bị thực dân Pháp bắt giam. Nổi bật nhất là tấm gương Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Hoàng Tôn, Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý...

Đó đều là những tấm gương kiên trung, đấu tranh đến giờ phút cuối cùng vì độc lập, tự do dân tộc. Niềm tin và Khát vọng là nội dung cuối cùng của trưng bày “Lửa thanh xuân”, thể hiện quá trình tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay, sự vững vàng của niềm tin khi cống hiến cho quê hương. Đó là tấm gương bác sĩ Hoàng Chí Cương (sinh năm 1983) với 95 lần hiến máu và tiểu cầu để cứu bệnh nhân; là câu chuyện thầy giáo Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990) có bốn năm tình nguyện xin dạy học tại Trường tiểu học Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) và những hình ảnh, tư liệu về phong trào thi đua “Tuổi trẻ giữ nước”.

Ngoài hệ thống hình ảnh, tài liệu, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn trưng bày 25 hiện vật gắn với cuộc đời hoạt động của những liệt sĩ, những chiến sĩ cách mạng do người thân của các đồng chí trao lại như: Huy hiệu “Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam” mà ông Dương Tự Minh, cán bộ Thành đoàn Hà Nội đeo khi tham dự Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ II (năm 1956); thư của mẹ nuôi của đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn kể về cuộc đời hoạt động của đồng chí…

Trong dịp này, Đoàn Thanh niên nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức cho đoàn viên đến tham quan gian trưng bày “Lửa thanh xuân” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò để ôn lại truyền thống cách mạng của tuổi trẻ thế hệ đi trước. Bạn Bùi Thế Cường (Quận đoàn Tây Hồ) cho biết: “Công tác giáo dục truyền thống là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đoàn Thanh niên. Bởi vậy, Quận đoàn Tây Hồ đã chọn địa điểm này để tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cho thanh niên quận. Các hiện vật, hình ảnh trưng bày tại đây đã truyền ngọn lửa yêu nước, tinh thần cách mạng cho các bạn trẻ ngày nay, để họ tiếp nối truyền thống hào hùng của cha anh, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu, đẹp”.