Trung thu hướng về nguồn cội

Không khí vui Trung thu năm nay đến sớm hơn với trẻ em Hà Nội, khi khắp nơi rực rỡ sắc màu của các món đồ chơi và tiếng trống rộn ràng. Ngày càng có nhiều cơ quan, đơn vị, các bậc phụ huynh tổ chức sự kiện, mua tặng đồ chơi, hướng dẫn các em chơi những trò chơi dân gian. Dù xã hội ngày một hiện đại hơn, nhưng các em nhỏ vẫn được hưởng cái Tết Trung thu đậm chất truyền thống.

Các em thiếu nhi trang trí mặt nạ giấy bồi trong Hội sách Trăng tròn tại Phố sách Hà Nội.
Các em thiếu nhi trang trí mặt nạ giấy bồi trong Hội sách Trăng tròn tại Phố sách Hà Nội.

Hơn một tuần nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng Ban Quản lý Phố sách Hà Nội đã đem đến cho các em nhỏ mùa trăng tròn sớm với chương trình "Hội sách Trăng tròn", với các sự kiện kết hợp giới thiệu văn hóa truyền thống và văn hóa đọc. Cuộc giao lưu, tọa đàm "Ðằng sau chiếc mặt nạ là câu chuyện văn hoá" với sự tham gia của nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hanoi Classy, Ngô Quý Ðức - người rất tâm huyết với việc khôi phục đồ chơi, trò chơi dân gian, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa - người duy nhất làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ đã thu hút hàng trăm em nhỏ. Có một thời gian, những chiếc mặt nạ nhựa được lắp thêm đèn nhấp nháy "lên ngôi", mặt nạ truyền thống bị lãng quên. Nhưng nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền và anh Ngô Quý Ðức đã giúp các em "ngược dòng" tìm về chiếc mặt nạ giấy bồi. Nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền bắt đầu giao lưu bằng câu hỏi: "Các em có biết Trung thu xưa, hình tượng chiếc mặt nạ nào là phổ biến nhất không?". Nhiều cánh tay giơ lên. Phần lớn đáp án là... không đúng. Song, chính sự tương tác giữa diễn giả và các em khiến câu chuyện thêm thú vị. Nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền chia sẻ với các em, một trong những hình tượng phổ biến nhất chính là mặt nạ "con thỏ". Con thỏ tượng trưng cho mặt trăng, mà tháng 8 âm lịch, là thời điểm mặt trăng tròn nhất trong năm. Anh Ngô Quý Ðức thì kể cho các em câu chuyện mình đã nhiều năm làm "cầu nối" giữa nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi với các em nhỏ ra sao.

Cuộc giao lưu sôi nổi hơn khi nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa đem "đồ nghề" lên sân khấu, bắt đầu công việc "bồi" một chiếc mặt nạ và hướng dẫn các em có thể tự làm ở nhà. Chỉ một loáng, chiếc "phôi" mặt nạ dạng 3D xuất hiện. Các em đua nhau đoán thử chiếc mặt nạ mang hình dáng nhân vật nào. Buổi giao lưu kết thúc khi các em được tự tay tô chiếc mặt nạ giấy bồi cho mình. Chị Ngô Ngân Hà (ở phố chùa Bộc, quận Ðống Ða) chia sẻ: "Cậu bé nhà mình đã tô xong chiếc mặt nạ. Những năm trước, mình vẫn mua mặt nạ cho con, song, đây là lần đầu mình hiểu thêm ý nghĩa của mặt nạ giấy bồi. Bé nhà mình rất phấn khởi với việc tự tô mầu nên giữ chiếc mặt nạ như báu vật".

Cũng tại không gian Phố sách, cuộc giao lưu không kém phần ấn tượng khác là với nghệ nhân tò he Ðặng Văn Hậu (làng nghề tò he Xuân La, huyện Phú Xuyên). Câu chuyện của nghệ nhân về những con tò he ngộ nghĩnh đem đến cho các em tiếng cười vui vẻ. Từ việc hiểu ý nghĩa của những con tò he, các em thêm yêu mến, gắn bó với nghệ thuật dân gian.

Cũng dịp cuối tuần qua, không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) như "nổ tung" với cuộc thi Ô-lim-pích trò chơi dân gian Việt Nam. Ðây là lần đầu, các trò chơi dân gian được diễn ra quy mô lớn, dành cho các bạn trẻ do Trung tâm UNESCO Bảo tồn và giao lưu văn hóa quốc tế phối hợp nhóm Sân đình tổ chức. Trong không gian rộng lớn, Ban tổ chức đã thiết kế ba phần: Trải nghiệm, triển lãm và thi đấu. Tại đây, các em nhỏ được tìm hiểu, hướng dẫn cách chơi của nhiều trò chơi dân gian như: đi cà kheo, kéo co, đánh chuyền, đánh đáo, chơi ô ăn quan... Ðại diện nhóm Sân đình Nguyễn Thị Thùy Vân cho biết: "Nhiều trò chơi dân gian giúp trẻ vận động, luyện tập sự khéo léo và phát triển trí tuệ. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là giúp các bạn trẻ hiểu thêm về trò chơi dân gian, giúp trò chơi dân gian trở lại cuộc sống". Tổng cộng có 14 trò chơi dân gian được nhóm Sân đình giới thiệu. Không chỉ các bạn nhỏ, nhiều thanh niên và cả người lớn cũng có dịp "trở về tuổi thơ", nhất là khi thử sức với trò đi cà kheo hay kéo co. Náo nhiệt hơn cả là trò chơi ô ăn quan trên một "sân thi đấu" lớn. Thay vì những ô ăn quan nhỏ, Ban tổ chức kẻ một ô ăn quan rộng hàng chục mét vuông. Những thành viên tham gia chơi rất dễ bị "ngợp" trong không gian lớn, nên dù nhiều bạn thạo cách chơi, vẫn không tránh khỏi sự lúng túng khi phải đi rải "quân", tạo nên những tràng cười sảng khoái.

Trung thu đậm nét truyền thống còn được thấy ở các địa chỉ văn hóa trong khu phố cổ. Tại đình Kim Ngân, Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ... đã chuẩn bị các cuộc trưng bày sắp đặt từ rất sớm, tạo nên không gian văn hóa cổ truyền dành cho các em nhỏ. Những ngày sắp tới, các địa chỉ Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... tổ chức chương trình vui Tết Trung thu cho thiếu nhi. Dù cách thức tổ chức không giống nhau, nhưng đều có những trò chơi, đồ chơi dân gian. Sau một thời gian vắng bóng, những đồ chơi, trò chơi dân gian đã trở lại, giúp các em nhỏ được vui cái Tết Trung thu mang hương vị truyền thống, qua đó, gắn bó hơn với văn hóa dân tộc.