Trở về không gian Bắc Bộ xưa

Thời gian gần đây, khu du lịch Long Việt giới thiệu nhiều nét văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ, từ kiến trúc nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, cho đến trải nghiệm ẩm thực đồng quê. Tại đây, khách du lịch được ngủ lại trong những ngôi nhà cổ, được thiết kế theo những chủ đề khác nhau.

Khu du lịch Long Việt là điểm đến thú vị của nhiều du khách.
Khu du lịch Long Việt là điểm đến thú vị của nhiều du khách.

Chân núi Ba Vì, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì, Hà Nội) được nhuộm một mầu xanh ngát của cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả... Giữa khung cảnh đó, thấp thoáng những mái ngói gợi nét cổ kính của làng quê Việt Nam xưa. Đó chính là khu du lịch Long Việt, nơi ta có thể bắt gặp những nét đẹp của khung cảnh, đời sống làng quê Bắc Bộ một thời. Bước qua cánh cổng, mọi người bắt gặp quang cảnh một phiên chợ quê. Ở đó, có những “dãy chợ” lợp ngói ta, những lều quán lá đơn sơ. “Chợ quê” bán nhiều loại quà vặt như ngô, khoai, sắn, kẹo lạc, kẹo dồi, bánh đa, bánh đúc, nước vối… Cùng với chợ quê, khu du lịch dành không gian để tái hiện cuộc sống của người nông dân thông qua phần trưng bày, giới thiệu về những đồ đạc, vật dụng sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều vật dụng được sưu tầm, có tuổi đời từ 50 đến 60 năm. Các hiện vật được bài trí hài hòa trong không gian những ngôi nhà cổ kính, giữa không gian xanh của làng quê, tạo cảm giác thanh bình. Cuộc sống nơi thôn dã được tái hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Một tòa thủy đình nhỏ được dựng lên góc ao làm nơi múa rối nước. Vào những dịp cuối tuần, không khí nơi đây rộn rã với tiếng chú Tễu giáo trò và các quân rối thi nhau biểu diễn những tích trò như: Múa rồng, múa lân, chọi trâu, tiên cưỡi cá dâng hoa, quân rối cởi áo, xay lúa, giã gạo, đi cấy… Những tiết mục ấy, được biểu diễn bởi chính những nghệ nhân thôn Nghe của mảnh đất xứ Đoài.

Mặc dù có nhiều hạng mục công trình, kiến trúc gợi lại nét đẹp của làng quê Bắc Bộ, nhưng ấn tượng nhất vẫn là những ngôi nhà cổ. Chủ nhân của khu du lịch Long Việt đã mua lại những ngôi nhà gỗ có tuổi đời hàng trăm năm, rồi phục dựng lại theo các chủ đề, để khách tham quan có trải nghiệm khác nhau. Ngôi nhà “quan võ” có kết cấu ba gian, hai chái. Chính giữa hiên có bày một bộ mô hình tám loại binh khí thời xưa, thể hiện tinh thần thượng võ. Ban thờ ngôi nhà, ngoài bức hoành phi có ba chữ đại tự “Phụng tổ đường” (ý nghĩa nhắc nhở con cháu phải thờ phụng ông bà, tổ tiên), cũng có những mô hình binh khí nhỏ. Đối lập với nhà “quan võ” là nét nho nhã, thanh tao trong nhà “quan văn”. Không gian nhà “quan văn” thiết kế theo kiểu “nội chủ ngoại khách”, với hiên chính là không gian tiếp khách. Chính giữa nhà là án thư - nơi làm việc. Các hiện vật trong nhà đều toát lên sự “giàu chữ nghĩa”, với những câu đối như “Đông bích đồ thư/ Tây viên hàn mặc” (Tường đông có cả một tường sách/ Phía tây có cả hồ mực). Không chỉ được tham quan, tìm hiểu, khách du lịch có thể ngủ lại trong chính những ngôi nhà đó. Các ngôi nhà “quan văn”, “quan võ”, đều thiết kế hai chái nhà thành hai căn phòng nghỉ tiện nghi, mang lại cảm giác mới lạ và thú vị cho khách du lịch khi nghỉ ngơi tại đây. Ngoài ra, trong khu du lịch còn có không gian trưng bày cổ vật, không gian giới thiệu văn hóa tín ngưỡng người Việt Nam.

Sau khi tham quan, khách du lịch có không gian để tổ chức các hoạt động nhóm. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 53 km, khu du lịch Long Việt là điểm đến thú vị cho những ai muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Việt cổ kết hợp với nghỉ dưỡng cuối tuần.