Triệt phá nhiều kho hàng lậu kinh doanh trực tuyến

Thường xuyên thay đổi vị trí kho hàng, sử dụng mạng xã hội và hình thức livestream để bán hàng, chuyển hàng qua dịch vụ chuyển phát, đó là cách thức mà các đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng thực hiện trong thời gian gần đây. Dù lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây kinh doanh hàng giả, hàng lậu, nhưng thực tế, hoạt động này vẫn rất sôi động.

Kho hàng kinh doanh online giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng tại phố Thạch Cầu, quận Long Biên.
Kho hàng kinh doanh online giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng tại phố Thạch Cầu, quận Long Biên.

Khi cửa kho hàng tại số nhà 30 ngách 139, ngõ 56 phố Thạch Cầu (quận Long Biên) hé mở, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 16 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Long Biên đã ập vào kiểm tra khiến chủ cơ sở không kịp trở tay. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn sản phẩm giày dép thời trang có dấu hiệu làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Versace, Gucci, Adidas, LV, Burberry, Chanel, Dior... được cất giữ, phân chia trong khu vực rộng hơn 100 m2. Chủ hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. 

Đội trưởng Đội QLTT số 16 Nguyễn Sỹ Bình cho biết, lực lượng chức năng phải trinh sát, theo dõi qua nhiều tháng. Cơ sở kinh doanh này hoạt động chủ yếu bằng hình thức bán hàng online, livestream qua mạng xã hội Facebook và một số nền tảng thương mại điện tử. Họ bố trí riêng một phòng để livestream. Nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, chủ cơ sở thường xuyên đóng cửa, chỉ khi có giao dịch hàng hóa, chủ hàng mới mở cửa, giao hàng đi cho khách.

Cũng với cách thức tương tự, kho hàng nằm khuất trong thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) do Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì) làm chủ, mỗi ngày chuyển phát hơn 3.000 đơn hàng. Khi lực lượng QLTT kiểm tra, kho hàng này chứa tới hàng chục nghìn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng, chăn gối, đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Đáng nói, một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện... Qua điều tra, một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng là thông qua hệ thống phần mềm mang tên TPOS, cả chục tài khoản Facebook khác sẽ đồng loạt chia sẻ các livestream để chốt đơn hàng. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở, chỉ trong sáu tháng qua, có tới hơn 655 nghìn đơn hàng được chốt bán rồi gửi qua hệ thống dịch vụ giao hàng nhanh.
 
Tổ trưởng Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổng cục QLTT) Nguyễn Kỳ Minh cho biết, cái khó nhất của cơ quan chức năng trong việc tiếp cận các kho hàng lậu bán trực tuyến là phải xác minh được địa chỉ IP Facebook. Các đối tượng hoạt động bán hàng online có nhiều kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng, việc vận chuyển hàng cũng chủ yếu thông qua phương thức chuyển phát nhanh. Nhằm trốn tránh sự kiểm tra, chủ hàng thường di chuyển, đổi vị trí kho liên tục. 

Đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực thương mại điện tử,các hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng cũng gia tăng. Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hầu như ngày nào Cục QLTT Hà Nội cũng nhận được thông tin khiếu kiện của người tiêu dùng về mua hàng online bởi chất lượng hàng tại trang web và thực tế không giống nhau. Các thủ đoạn thường được các đối tượng sử dụng là: lập nhiều tài khoản Facebook, chạy quảng cáo, đăng ảnh chụp sản phẩm, nhưng chỉ có số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Mỗi ngày, nhân viên tại các cơ sở thực hiện livestream và chốt đơn để chuyển hàng đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát nhanh. 

Trước tình hình này, từ đầu năm 2020, Tổng cục QLTT đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách chống gian lận trên môi trường in-tơ-nét, qua đó xử lý, triệt phá được nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng. Tuy nhiên, lực lượng QLTT đang thiếu hụt lực lượng chuyên trách, chuyên môn cao để định vị kho hàng, chứng minh thủ đoạn... Do đó, bên cạnh việc tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển cũng cần tăng cường các giải pháp chống buôn lậu online để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.