Triển khai rộng rãi hình thức dạy học trực tuyến

Sau khi triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 8 và lớp 9, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội tiếp tục triển khai hình thức dạy học này cho học sinh lớp 11 và lớp 12 trên địa bàn. Việc ôn tập trực tuyến được phụ huynh và học sinh Thủ đô tiếp nhận tích cực trong thời điểm nghỉ học kéo dài vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Giáo viên dạy học trực tuyến trên Đài Truyền hình Hà Nội. Ảnh: THANH TÙNG
Giáo viên dạy học trực tuyến trên Đài Truyền hình Hà Nội. Ảnh: THANH TÙNG

Sau ba tuần triển khai dạy học trực tuyến trên địa bàn thành phố, Sở GD và ĐT Hà Nội cho biết, đã có hơn hai triệu lượt học sinh truy cập vào trang này để làm bài kiểm tra trắc nghiệm bảy môn học dành cho học sinh lớp 8 và lớp 9. Đã có 144.581 tài khoản được thiết lập để tham gia hệ thống học trực tuyến này, chiếm 66,5% học sinh lớp 8, lớp 9 trên địa bàn thành phố.

Đánh giá về kết quả ban đầu, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD và ĐT Hà Nội) Kiều Văn Minh nhận định, các trường, các phòng GD và ĐT và phần lớn giáo viên, học sinh đánh giá cao hiệu quả của hệ thống. Việc vận hành hệ thống đã thực hiện tương đối tốt. Hiện chương trình ôn tập trực tuyến lớp 8 và lớp 9 đang được Sở GD và ĐT, phòng GD và ĐT quận, huyện, thị xã và các trường THCS cập nhật theo dõi thống kê và báo cáo chi tiết việc ôn luyện của học sinh theo kết quả từng lớp, từng học sinh tại trang http://Study.hanoi.edu.vn. Bên cạnh đó, từ ngày 7-3, Sở đã triển khai thí điểm đưa lên hệ thống câu hỏi, ôn tập tám môn học của lớp 11, lớp 12 lên hệ thống này. Chương trình đang được thí điểm tại 20 trường THPT và sẽ sớm triển khai đại trà sau khi đánh giá kết quả thí điểm. Theo ông Minh, việc triển khai hình thức ôn tập trực tuyến đối với lớp cuối cấp được đặc biệt ưu tiên vì các em có hai kỳ thi quan trọng. Học sinh, phụ huynh cần có thêm kênh học tập, ôn tập, bảo đảm vững vàng về kiến thức, kỹ năng chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới.

Nhận xét về việc triển khai học trực tuyến, chị Phạm Thanh Hà, phụ huynh học sinh đang học lớp 8 Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, ban đầu cháu tích cực đăng nhập, nhưng sau đó có phần chểnh mảng, bố mẹ nhắc mới vào học, trong khi bố mẹ không thể ở nhà cả ngày để nhắc nhở. Chị Hà góp ý: “Chúng tôi mong nhà trường có kế hoạch giám sát, nhắc nhở các con để việc học tập trực tuyến thật sự hiệu quả. Nếu không có sự đôn đốc, theo sát của giáo viên thì hình thức học tập này chỉ phù hợp với một số đối tượng học sinh là những bạn có ý thức tự giác, có kỷ luật và phương pháp tự học tốt. Với phần lớn học sinh vẫn cần có sự phối hợp với giáo viên để học và trao đổi bài thường xuyên”.

Để đạt hiệu quả cao trong việc học trực tuyến, cô giáo Nguyễn Thanh Bình, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, vai trò giáo viên là quyết định. Giáo viên cần theo sát tiến trình học sinh tham gia chương trình trực tuyến. Mọi dữ liệu và kết quả của các em đều được thể hiện qua phần mềm đánh giá của hệ thống cho nên không khó nắm bắt. Việc lên kế hoạch, giao nhiệm vụ, chốt thời gian hoàn thành và có đánh giá kịp thời sẽ giúp học sinh có động lực và một chút sức ép cần thiết để học tập hiệu quả”. “Hà Nội có địa bàn rộng, học sinh rất đông, điều kiện kinh tế - xã hội và dân trí ở các vùng không đồng đều. Việc đưa hệ thống câu hỏi trên hệ thống là một kênh hỗ trợ các thầy giáo, cô giáo, học sinh và phụ huynh trong việc ôn tập, củng cố kiến thức. Tuy nhiên, giáo viên, học sinh cần có ý thức hơn trong việc khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học để tự nâng cao kiến thức của mình”, ông Kiều Văn Minh nhận xét.

Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Viết Dương cho biết, việc triển khai học trực tuyến đối với học sinh THPT là rất cần thiết trong bối cảnh nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19. “Trước khi Sở GD và ĐT Hà Nội chính thức triển khai học trực tuyến, các trường đã chủ động cho học sinh ôn tập tại nhà qua việc giao bài qua e-mail, tổng kết kiến thức cuối tuần, trao đổi qua các mạng xã hội… Việc học trực tuyến do Sở tổ chức tạo thuận tiện hơn cho giáo viên, học sinh khi có nền tảng chung, thống nhất về phương pháp và nội dung kiến thức. Việc kiểm tra, đánh giá cũng thuận lợi nhờ nền tảng công nghệ thông tin”, ông Dương thông tin.

Mới đây, ngày 13-3, Bộ GD và ĐT chính thức yêu cầu đẩy mạnh học qua in-tơ-nét và trên truyền hình, đồng thời công nhận kết quả học tập của hai loại hình này khi học sinh đi học trở lại. Các trường sẽ rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua in-tơ-nét, trên truyền hình, nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức trong chương trình theo quy định. Điều này khẳng định việc học qua in-tơ-nét hay trên truyền hình là phương án phù hợp nhất trong thời điểm học sinh nghỉ học kéo dài, giúp các em theo kịp khung thời gian năm học sau khi đi học trở lại.