Thi Lịch sử vào lớp 10 tại Hà Nội

Tránh học tủ, học lệch

Sau khi Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội công bố môn thi thứ tư trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020 là môn Lịch sử, nhiều ý kiến cho rằng, đây là quyết định đúng đắn, bởi môn học quan trọng này, thời gian qua chưa được chú trọng trong chương trình học phổ thông. Trước sự lo lắng của các học sinh, các giáo viên đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích đối với việc ôn thi môn Lịch sử.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Ðôn (quận Cầu Giấy) trong giờ ôn tập. Ảnh: CHIẾN CÔNG
Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Ðôn (quận Cầu Giấy) trong giờ ôn tập. Ảnh: CHIẾN CÔNG

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020 với việc triển khai bốn môn thi, trong đó môn thi thứ tư chỉ được công bố trước kỳ thi hơn hai tháng sẽ khắc phục tình trạng học lệch của học sinh Hà Nội, so với các kỳ thi những năm trước chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn.

Việc chọn môn tiếng Anh trở thành một trong ba môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và tiếng Anh) được hầu hết phụ huynh, học sinh đồng tình, cho rằng, đây sẽ là cơ hội để đẩy mạnh chất lượng giảng dạy và học tập bộ môn này trong nhà trường. Nhất là với học sinh các trường khối ngoài công lập, vì phần lớn các trường ngoài công lập đều đầu tư mạnh cho việc dạy tiếng Anh. Chị Nguyễn Lan Anh, phụ huynh một học sinh lớp 9 Trường THCS Alpha, Hà Nội cho biết, con chị được học 9 tiết tiếng Anh/tuần, cho nên chị hy vọng con sẽ đạt điểm cao trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới.

Tuy nhiên, môn Lịch sử mới là môn khiến nhiều người bất ngờ khi chính thức được Sở GD-ÐT Hà Nội công bố là môn thi thứ tư vào ngày 11-3 vừa qua. Môn học này lâu nay không được xếp là môn chính. Cô Lê Thị Thu Hương, nguyên giáo viên Lịch sử Trường THPT Chu Văn An cho biết, quyết định chọn môn Lịch sử là môn thi chính thức của Hà Nội rất đáng được ủng hộ, bởi có lẽ ai cũng biết tầm quan trọng của môn học này nhưng lại chưa quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc học sinh THCS ở Hà Nội chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và môn Toán, mà sao nhãng các môn học còn lại đã xảy ra nhiều năm nay, khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ thi hai môn này. Hậu quả là nhiều học sinh khi vào lớp 10, kể cả học sinh ở các trường chuyên đều không thể đạt danh hiệu học sinh giỏi, vì các em học lệch, bị hổng kiến thức từ cấp THCS. Với cách đổi mới phương thức thi vào lớp 10, học sinh sẽ phải học toàn diện tất cả các môn, khắc phục tình trạng học lệch.

Việc học sinh phải ôn luyện bốn môn để thi vào lớp 10 khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Nếu như ba môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, học sinh đã có thời gian đầu tư ôn tập kỹ lưỡng ngay từ đầu năm học lớp 9, thì giờ đây, các em chỉ có khoảng 70 ngày để ôn tập môn Lịch sử. Vì là môn xã hội, yêu cầu nhiều về khả năng ghi nhớ, cho nên vấn đề khó khăn là phương pháp học để ghi nhớ lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn trước kỳ thi. Em Phan Văn Lâm, học sinh lớp 9 Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm nói: "Các kiến thức của môn Lịch sử lâu nay thường học thuộc lòng, cho nên tình trạng "học trước quên sau" rất phổ biến. Làm thế nào để không nhầm lẫn các nhân vật lịch sử, nhớ được chính xác các sự kiện với nhiều mốc thời gian là vấn đề chúng em rất lo lắng".

Khẳng định nếu muốn điểm cao ở môn Lịch sử, học sinh không thể học tủ, cô giáo Lê Thị Thu Hương phân tích: "Theo cấu trúc đề minh họa do Sở GD-ÐT Hà Nội công bố vào tháng 10-2018, bài thi môn Lịch sử được làm theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút với 40 câu hỏi. Phạm vi kiến thức của đề thi phân bổ toàn bộ chương trình lớp 9, gồm cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ câu hỏi về lịch sử Việt Nam chiếm khoảng 70%. Số câu hỏi ít nhưng không tập trung vào một bài, mà chia đều ra các bài thuộc phần lịch sử thế giới. Bởi vậy, các em học tủ chắc chắn sẽ không thể trả lời hết câu hỏi và sẽ bị mất điểm". Cô giáo Lê Thị Thu Hương cho rằng, học sinh cần đọc kỹ sách giáo khoa, trả lời các câu hỏi cuối bài, chú ý đọc các bài tổng kết để khái quát kiến thức. Ðồng thời cần hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy để dễ nhớ các kiến thức cơ bản, dễ tra cứu khi cần. Học sinh cũng cần rèn cách tìm từ khóa trong mỗi câu hỏi để tránh bị lạc đề, tránh các đáp án nhiều, bẫy, dẫn đến mất điểm đáng tiếc. "Sau khi ôn kỹ kiến thức, học sinh cần rèn luyện cách làm bài trắc nghiệm như phân chia thời gian làm bài hợp lý, tính giờ làm bài để không bị quá thời gian, làm từ câu dễ đến câu khó. Ngay từ thời điểm này, cần luyện tập bằng các bài tập tự luyện dạng trắc nghiệm để làm quen dần" - cô Lê Thị Thu Hương chia sẻ.