Trải nghiệm thú vị về văn hóa xứ Đoài

Một xứ Đoài chân chất, mộc mạc mà nên thơ vừa được tái hiện tại Phố Sách Hà Nội trong chương trình "Xứ Đoài đón Xuân". Ở đó, độc giả được khám phá nét đẹp của văn hóa xứ Đoài, hiểu thêm về xứ Đoài qua tác phẩm "Xứ Đoài mây trắng" của tác giả Nguyễn Sơn Đỗng. Những câu chuyện về xứ Đoài được lồng ghép với các hoạt động văn hóa đã thu hút đông đảo độc giả Thủ đô.

Các nghệ sĩ giao lưu về văn hóa đọc tại Chương trình "Xứ Đoài đón Xuân".
Các nghệ sĩ giao lưu về văn hóa đọc tại Chương trình "Xứ Đoài đón Xuân".

Phố Sách đang dần trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc của người dân Thủ đô. Những ngày đầu tháng 3 này, bước chân vào Phố Sách, nhiều người ngạc nhiên khi giữa phố phường đông đúc là cảnh làng quê bình yên, với chiếc cổng làng mái lá, cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Nhất là hình ảnh những bông gạo lập lòe sắc đỏ, gợi hình ảnh thân thuộc của làng quê. Hội Nông dân Việt Nam, Ban Quản lý Phố Sách cùng một số cơ quan đã tái hiện không gian xứ Ðoài mộc mạc mà nên thơ trong chương trình "Xứ Ðoài đón Xuân". Trong không gian ấy, nhiều khách tham quan thả sức tìm hiểu về những nét văn hóa xứ Ðoài, nhất là giới trẻ tíu tít nhận sách miễn phí, giao lưu với các diễn giả, xin chữ thư pháp. Những người cao tuổi vừa trải nghiệm vừa giải thích cho các bạn trẻ về những vật dụng quen thuộc của làng quê...

Không chỉ tái hiện bằng hình ảnh, xứ Ðoài còn được khắc họa sắc nét qua phần trò chuyện, chia sẻ về tác phẩm "Xứ Ðoài mây trắng" của tác giả Nguyễn Sơn Ðỗng. Tác giả Nguyễn Sơn Ðỗng không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Ông sinh năm 1942 tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Thẩm thấu văn hóa xứ Ðoài, yêu mến lịch sử, am hiểu các phong tục ở nông thôn, ông đã gói ghém tình yêu của mình với quê hương vào tác phẩm "Xứ Ðoài mây trắng". Tác phẩm kể về câu chuyện một dòng tộc vào năm 1943. Mặc dù còn có hạn chế nhất định về xây dựng nhân vật, cốt truyện, nhưng điểm cuốn hút nhất của tác phẩm chính là câu chuyện xứ Ðoài. Tác giả đã tái hiện nhiều phong tục, tập quán, đời sống làng quê xứ Ðoài, từ gia cảnh đời thường dân quê, nhất là cảnh hội quê, chợ quê, Tết quê, cảnh tát nước, đơm cá, gặt lúa... Trong cuộc trò chuyện về tác phẩm, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "Giá trị của cuốn tiểu thuyết nằm ở chỗ tác giả tri ân với quá khứ, bằng cách trao truyền lại những giá trị, trải nghiệm, lòng trân trọng của mình đối với quê hương, rộng lớn hơn là với Tổ quốc, với thời đại".

Ðược tổ chức trong không gian Phố Sách, các hoạt động của chương trình "Xứ Ðoài đón Xuân" là sự lồng ghép giữa giới thiệu văn hóa xứ Ðoài và phát triển văn hóa đọc. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng biến cuộc tọa đàm "Tứ ân" thành một cuộc đối thoại cởi mở với giới trẻ. "Tứ ân" là ơn cha mẹ, ơn thầy cô, ơn những người hy sinh cho cuộc sống hôm nay, ơn Tổ quốc. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã khéo léo đưa câu chuyện tri ân gắn với việc thể hiện bằng những hành động cụ thể. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, sự tri ân ấy thể hiện bằng việc các bạn trẻ cần nỗ lực phấn đấu, trở thành những người có tri thức, làm chủ cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Muốn trở thành những người như thế, thì một trong những kênh quan trọng nhất là văn hóa đọc. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng giới thiệu những cuốn sách bổ ích cho các bạn trẻ trong học tiếng Anh, để bắt kịp xu thế giáo dục của thế giới. Em Lê Thúy Vi, học sinh Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Cách nói chuyện của bác Nguyễn Lân Dũng rất gần gũi, dễ hiểu. Em sẽ tìm mua những cuốn sách bác giới thiệu để có thêm kiến thức". Những câu chuyện của Giáo sư Lê Văn Lan trong cuộc tọa đàm "Tuổi trẻ xưa và nay" lại đem đến cho các bạn trẻ động lực phấn đấu. Ông cho biết, nhiều Anh hùng dân tộc đã lưu danh sử sách ở tuổi đôi mươi, bằng tuổi những bạn học sinh, sinh viên ngày hôm nay. Các màn giao lưu còn có sự tham gia của một số nghệ sĩ hài nổi tiếng như: Quốc Khánh, Công Lý, Xuân Bắc, Quang Thắng... Bằng cách nói chuyện dí dỏm, hài hước, các nghệ sĩ giúp các bạn trẻ hiểu và gắn bó hơn với văn hóa đọc.

So với những chương trình khác từng được tổ chức, chương trình "Xứ Ðoài đón Xuân" đã khéo léo truyền tải văn hóa xứ Ðoài, văn hóa đọc đến với độc giả, mang đến những trải nghiệm thú vị trong những ngày đầu xuân.