Trả lại vẻ đẹp cho phố cổ

Nhiều tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội đã đẹp hơn, những căn nhà cổ thể hiện được nét duyên xưa của Thăng Long khi UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) triển khai đề án chỉnh trang phố cổ. Điều này góp phần tăng sức hút của phố cổ với khách du lịch. Tuy nhiên, để phố cổ giữ được những nét đẹp truyền thống, cần quản lý chặt chẽ độ cao công trình xây dựng, vận động để nhân dân nâng cao ý thức về gìn giữ vẻ đẹp kiến trúc, không gian phố cổ.

Ngôi nhà góc phố Hàng Đường - Lãn Ông sau khi cải tạo đã trở thành điểm nhấn được nhiều khách du lịch ưa thích. Ảnh: DUY LINH
Ngôi nhà góc phố Hàng Đường - Lãn Ông sau khi cải tạo đã trở thành điểm nhấn được nhiều khách du lịch ưa thích. Ảnh: DUY LINH

Phố cổ chính là dấu xưa của kinh thành Thăng Long một thuở. Trải qua năm tháng, bộ mặt của các tuyến phố cổ bị biến dạng rất nhiều. Nhiều ngôi nhà hiện đại mọc lên trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21 với những phong cách kiến trúc khác nhau. Trong khi đó, nhữnưwwwg nếp nhà xưa cũ thì xuống cấp, xập xệ. Cuộc sống chật chội, khiến các hộ dân phải cơi nới đủ bề. Phố cổ thiếu cây xanh, nhiều gia đình phải làm mái che, mái vẩy chống nắng… Hầu như ai cũng cảm thấy nuối tiếc khi nhìn những tấm hình xưa cũ.

Nhưng thời gian gần đây, đi qua nhiều tuyến phố như: Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Dầu, Đào Duy Từ, Mã Mây, Nhà Thờ, Nhà Chung, Hàng Trống… nhiều người bỗng thấy có gì đó “khác lạ”. Những ngôi nhà cổ được xây dựng từ trước năm 1954 nay bỗng phô ra vẻ đẹp thân thuộc vốn có. Những ngôi nhà xây sau này cũng được đổi màu sơn, để không quá đối lập với những ngôi nhà cũ, nhà cổ. Nhiều tuyến phố, hầu như không còn thấy những “ba-lô, chuồng cọp” cơi nới ở ban công. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường…, một thời “rợp trời” mái che, mái vẩy, giờ cũng gọn gàng hơn. Những đổi thay này có được là nhờ kết quả hơn ba năm liên tục triển khai đề án chỉnh trang phố cổ của UBND quận Hoàn Kiếm. Chị Phan Thị Thủy ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Tôi đi mua ô mai trên phố Hàng Đường, lâu nay ít để ý, nhưng hôm nay mới thấy khu phố cổ vẫn còn khá nhiều ngôi nhà cổ đẹp. Nếu những ngôi nhà mới xây cũng làm phỏng theo kiến trúc xưa thì hay biết mấy”.

Khu phố cổ Hà Nội có diện tích 105 ha, thuộc mười phường của quận Hoàn Kiếm, gồm 79 tuyến đường, thuộc 83 ô phố, được chia làm khu vực bảo tồn cấp 1 và khu vực bảo tồn cấp 2. Xác định bảo tồn nét đẹp phố cổ chính là bảo tồn văn hóa Thăng Long, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch một cách bền vững nhất, quận Hoàn Kiếm đã triển khai đề án chỉnh trang phố cổ, giao Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội thực hiện. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội Đặng Đình Bằng cho biết: “Sau thành công trong chỉnh trang hai tuyến phố “điểm” là Tạ Hiện và Lãn Ông, từ năm 2016, quận Hoàn Kiếm đã triển khai trên diện rộng. Đến nay, quận đã hoàn thành công tác chỉnh trang mặt đứng của các ngôi nhà trên 23 tuyến phố. Đặc điểm của phố cổ là tồn tại nhiều loại hình kiến trúc. Với những công trình xây dựng sau này, chúng tôi khuyến khích người dân sơn màu phù hợp với không gian phố cổ, loại bỏ những phần xây dựng, cơi nới, lắp đặt kém thẩm mỹ. Đối với những công trình kiến trúc cổ, cũ, chúng tôi có danh mục những kiến trúc có giá trị. Căn cứ vào từng căn nhà mà có phương án chỉnh trang phù hợp”.

Với kinh nghiệm thu được trong quá trình làm thí điểm chỉnh trang, cải tạo một đoạn phố Tạ Hiện cùng với các chuyên gia thành phố Tu-lu (Pháp), Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã phân loại những ngôi nhà có giá trị thành các loại: kiến trúc Việt Nam truyền thống, kiến trúc phong cách Trung Hoa, kiến trúc ảnh hưởng của châu Âu (gồm phong cách Địa Trung Hải, An-pơ và Art-Deco). Những ngôi nhà được vệ sinh sạch sẽ mặt tiền, sơn lại màu tường, màu cửa, tháo dỡ mái che, mái vẩy, tư vấn để người dân lắp biển hiệu sao cho phù hợp. Tường chủ yếu được sử dụng màu vàng với những sắc độ khác nhau. Những ngôi nhà có giá trị kiến trúc sẽ được phục chế những phần kiến trúc đã hỏng hóc. Đối với những gia đình có nhu cầu làm mái che chống nắng, mưa, Ban Quản lý Phố cổ hướng dẫn cách làm mái che theo một mẫu quy định thống nhất về màu sắc, độ dài từ mặt tiền ra vỉa hè, do đó, tránh được tình trạng lộn xộn. Nhìn chung, công tác chỉnh trang nhận được sự ủng hộ của các hộ dân. Bà Cao Thị Mạnh Tân (số 76 phố Mã Mây) chia sẻ: “Ngôi nhà của tôi là nhà cổ các cụ để lại. Tôi về đây làm dâu đã 63 năm, khi về thì đã có ngôi nhà này rồi. Khi Ban Quản lý Phố cổ có thông báo sẽ chỉnh trang ngôi nhà, gia đình tôi rất vui. Tôi bảo con cháu dọn dẹp để các công nhân thi công. Mọi người trong gia đình tôi đều yêu mến nét đẹp của Hà Nội xưa, cho nên giữ nguyên vẹn kiến trúc này qua mấy chục năm, vậy nên việc chỉnh trang thuận lợi, chỉ mất khoảng ba ngày là đã làm xong”.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cũng không hiếm trường hợp gặp khó khăn. Nhiều gia đình sống ở nơi khác, thậm chí định cư ở nước ngoài, cho thuê ngôi nhà. Cán bộ Ban Quản lý Phố cổ phải đi lại nhiều lần mới gặp được chủ nhà để bàn bạc về việc cải tạo, chỉnh trang. Có những ngôi nhà phải sửa chữa nhiều, việc thi công mất nhiều thời gian, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, cho nên chủ nhà không hợp tác. Ông Đặng Đình Bằng cho biết thêm, tiến độ triển khai chỉnh trang phố cổ phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của người dân. Do công tác cải tạo tiến hành hoàn toàn ngoài trời cho nên những ngày mưa gió không thể tổ chức thi công. Quận Hoàn Kiếm đặt mục tiêu hoàn thành chỉnh trang cả 79 tuyến phố trong năm 2020. Tuy nhiên, vì những yếu tố nêu trên, nên khó có thể kịp tiến độ.

Mặc dù diện mạo phố cổ được cải thiện cùng với quá trình chỉnh trang, tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên. Bên cạnh đó, một số ngôi nhà sử dụng những màu sắc, sử dụng các loại đèn trang trí quá nổi bật, lạm dụng cửa kính, không phù hợp với gam màu vàng, ngói nâu của phố cổ. Để phố cổ đẹp hơn, thì không chỉ việc chỉnh trang, mà cần thực hiện tốt Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Phố cổ Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2013, tiến tới di dời bớt dân cư; đồng thời, tăng cường công tác vận động để nhân dân ý thức hơn về giá trị kiến trúc, cảnh quan phố cổ đối với sự phát triển chung của thành phố.