Tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả

Tại dự thảo Ðề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội đang được Thành ủy Hà Nội đưa ra lấy ý kiến, Ban soạn thảo Ðề án đã đưa ra hai phương án tổ chức chính quyền, trong đó đều đề xuất bỏ Hội đồng nhân dân (HÐND) cấp xã. Cơ bản thống nhất với đề xuất này nhưng nhiều ý kiến lưu ý việc triển khai cần thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền.

Ðại biểu phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Ðề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HÙNG
Ðại biểu phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Ðề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HÙNG

Ðề xuất không tổ chức HÐND cấp xã

Hai phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị mới được nêu trong Ðề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội đang được đưa ra lấy ý kiến người dân, đều được đề xuất bỏ HÐND xã, phường, thị trấn (HÐND cấp xã).

Phương án 1 sẽ xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã), một cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn. Chính quyền thành phố cơ bản giữ nguyên như hiện nay gồm HÐND, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố. Tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã về cơ bản cũng giữ nguyên như hiện nay gồm HÐND và UBND quận, huyện, thị xã. Tổ chức chính quyền cấp xã sẽ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND xã, không tổ chức HÐND xã. Nhiệm vụ chính của UBND cấp xã là thực hiện một số công việc cụ thể của công tác quản lý hành chính Nhà nước, cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, không có nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý quy hoạch và quản lý ngân sách. UBND xã, phường, thị trấn sẽ chịu sự giám sát trực tiếp của HÐND và đại biểu HÐND quận, huyện, thị xã và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đề án này, thành phố sẽ thí điểm việc không tổ chức HÐND ở phường từ năm 2021, từ năm 2023 triển khai không tổ chức HÐND ở xã, thị trấn.

Phương án 2 sẽ xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và một cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).Trong đó, tổ chức chính quyền thành phố là cấp chính quyền đầy đủ gồm HÐND, UBND như hiện nay. Ðiểm khác biệt so với phương án 1 là tại phương án này, Ban soạn thảo Ðề án đề xuất tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã là cấp chính quyền không đầy đủ, không tổ chức HÐND cấp quận, huyện, phường, chỉ tổ chức cơ quan hành chính quận, huyện, thị xã theo thiết chế UBND, đồng thời tổ chức cơ quan hành chính đại diện tại cấp xã.

Có thể thấy, nội dung của hai phương án chỉ khác nhau về mức độ cải cách, đổi mới đối với chính quyền các cấp của thành phố theo từng bước, từng lộ trình, nhất là ở cấp huyện và xã. Phương án 1 cơ bản bảo đảm tính kế thừa cao, giữ được sự tương đối ổn định về mô hình tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã; chỉ thay đổi tại cấp xã cho phù hợp với đặc điểm quản lý của chính quyền đô thị. Còn phương án 2 tạo ra sự thay đổi, xáo trộn lớn trong tổ chức bộ máy chính quyền ở hai cấp là quận, huyện , thị xã và cấp xã. Tuy nhiên, phương án này có ưu điểm là giúp bộ máy chính quyền tinh gọn hơn, hoạt động nhanh nhạy hơn, cơ quan hành chính cấp dưới sẽ tích cực, chủ động trong điều hành trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc.

Thận trọng, đồng bộ, nâng cao hiệu quả bộ máy

Tại các hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo Ðề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội do Thành ủy Hà Nội tổ chức, trên cơ sở phân tích các ưu điểm, cũng như hạn chế của hai phương án, các ý kiến nghiêng về lựa chọn phương án 1. Các đại biểu phân tích, phương án 1 là bước đi thận trọng, tránh gây xáo trộn trong bộ máy và từng bước cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bày tỏ đồng tình với phương án 1, ông Nguyễn Văn Quân, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên cho rằng, phương án 1 bảo đảm tổ chức bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ hơn, hoạt động thông suốt và phù hợp với quy định hiện hành của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Ðồng thời đề xuất, khi không tổ chức HÐND cấp xã, thì việc thực hiện quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cũng như quyền giám sát của nhân dân nên chuyển giao cho Mặt trận Tổ quốc và đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Cần làm rõ vai trò của HÐND cấp quận, huyện khi không có HÐND cấp xã, cũng như cần tăng số đại biểu chuyên trách HÐND cấp quận, huyện.

Liên quan đến lộ trình thực hiện Dự thảo Ðề án thí điểm, nhiều ý kiến cho rằng việc thí điểm không tổ chức HÐND phường từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, sau nửa nhiệm kỳ trên cơ sở sơ kết, đánh giá, sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm từ năm 2023 tại xã, thị trấn là không hợp lý. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Ðảng ủy phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm đề nghị đồng thời thực hiện thí điểm bỏ HÐND xã, phường, thị trấn ngay đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hà Nội là địa phương đầu tiên được Bộ Chính trị và các cơ quan Trung ương giao xây dựng Ðề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Mục tiêu của đề án là nghiên cứu, đề xuất phương án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội, một đô thị đặc biệt, trong đó tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị ở các quận, phường, tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền ở khu vực nông thôn và các huyện, xã. Ðể có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố cần thận trọng trong triển khai với một lộ trình khoa học, bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền.