Tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở

Chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị đã được Hà Nội cụ thể hóa, không chỉ thực hiện ở cấp thành phố, mà còn lan tỏa xuống cơ sở thông qua việc thực hiện Ðề án 21-ÐA/TU ngày 16-9-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội".

Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện văn minh đô thị tại tổ dân phố 5, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.
Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện văn minh đô thị tại tổ dân phố 5, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.

Bài 1: Quyết tâm từ thực tiễn

 "Ða nhưng chưa tinh", bộ máy còn cồng kềnh, trong khi hằng năm ngân sách dành cho đội ngũ cán bộ cơ sở là không nhỏ. Nhìn rõ vấn đề này, TP Hà Nội đã chủ động xây dựng các phương án tinh gọn theo hướng tăng kiêm nhiệm, một người làm "mấy vai", nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc. 

"Một người hai vai"

Từ tháng 4-2020, ngoài việc đảm nhiệm công việc của một Bí thư chi bộ, ông Nguyễn Mạnh Kiên kiêm nhiệm thêm chức Tổ trưởng dân phố số 17 phường Khương Thượng (quận Ðống Ða). "Thời gian đầu làm cả hai nhiệm vụ, tôi cũng khá áp lực, bởi địa bàn rộng với 260 hộ, khối lượng công việc nhiều. Tuy nhiên, từ khi có thêm một tổ phó giúp việc thì cũng thấy đỡ hơn, có thể đảm đương được", ông Kiên chia sẻ. Bí thư Ðảng ủy phường Khương Thượng Vương Thái Dương cho biết, đồng thời với việc sáp nhập từ 36 tổ dân phố xuống còn 18 tổ, phường cũng triển khai ngay Ðề án 21-ÐA/TU ngày 16-9-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội". Lúc đầu, không ít cán bộ cơ sở tâm tư vì người ít mà việc nhiều. Tuy nhiên, sau khi vận động, tất cả đều đồng thuận, từ 145 cán bộ không chuyên trách xuống còn 29 người hoạt động kiêm nhiệm, bộ máy tinh gọn hơn và công việc vẫn bảo đảm hiệu quả.

Huyện ủy Ứng Hòa chọn hai xã Kim Ðường và Sơn Công để tổ chức làm điểm, rút kinh nghiệm để chỉ đạo các xã, thị trấn còn lại thực hiện việc này. Ðảng ủy các xã đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo phụ trách các thôn; tổ chức quán triệt tới cán bộ chủ chốt và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn; tổ chức lấy ý kiến, rà soát thống kê, đánh giá năng lực, lựa chọn nhân sự, xây dựng phương án sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm; làm công tác tư tưởng đối với những người nghỉ công tác, những người dự kiến bố trí kiêm nhiệm và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Kết quả, sau khi bố trí sắp xếp người hoạt động không chuyên trách tại các xã, thị trấn của huyện, số người hoạt động không chuyên trách đã giảm từ 558 người xuống còn 202 người. Hầu hết các xã đều phân công bảy người kiêm nhiệm 10 chức danh. Riêng xã Ðồng Tân có sáu người kiêm nhiệm 10 chức danh. Sau khi thực hiện đề án, bộ máy cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn tinh gọn hơn, chất lượng hơn.

Ðây là hiệu quả từ việc thực hiện Ðề án số 21. Tuy nhiên, để có kết quả này, từ cuối năm 2018, Thành ủy Hà Nội đã chủ động ban hành Kế hoạch số 109-KH/TU về tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Ðề án 06-ÐA/TU, ngày 24-9-2013, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Trong đó, Thành ủy yêu cầu tổ nghiên cứu mô hình kiêm nhiệm các chức danh gắn với khoán kinh phí hoạt động đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố và thực hiện thí điểm tại quận Long Biên, huyện Gia Lâm từ quý I-2019.

Sự sắp xếp cần thiết

Lãnh đạo UBND quận Long Biên cho biết, qua khảo sát có 71% số người hoạt động không chuyên trách các phường đánh giá mô hình người hoạt động không chuyên trách còn cồng kềnh... Kết quả đánh giá ở 14 phường và 294 tổ dân phố với tổng số 3.626 người hoạt động không chuyên trách cho thấy: Nhiều vị trí hoạt động không chuyên trách ở phường có số giờ làm việc bình quân/tháng rất thấp, trong đó 13 trong số 16 vị trí chỉ làm 47 giờ/tháng. Cá biệt, có những vị trí chỉ làm việc khoảng 1 giờ/tháng. Như vậy, việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách là hoàn toàn có cơ sở. Kết quả khảo sát tại huyện Gia Lâm cũng cho thấy, việc sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn là cần thiết. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân khẳng định, cùng với công tác tuyên truyền, vấn đề quan trọng nhất khi thực hiện là phải giữ được sự ổn định. Ðối với một số địa bàn phức tạp, tinh thần chỉ đạo của huyện là không nóng vội, cần thiết có thể để sau khi tiến hành đại hội chi bộ sẽ tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, muốn tạo sự đồng thuận thì phải công khai, minh bạch các nội dung liên quan; lấy ý kiến cán bộ và nhân dân về phương án sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm; khi có ý kiến khác thì phải tiếp thu và sẵn sàng bổ sung, chỉnh sửa phương án.

Sau khi sắp xếp, huyện Gia Lâm đã giảm được 1.285 người hoạt động không chuyên trách ở xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố, tương đương tỷ lệ 48,8%, tiết kiệm được 4,4 tỷ đồng/năm, trong khi phụ cấp của cán bộ kiêm nhiệm tăng lên từ 30 đến 50%. Quận Long Biên giảm từ 288 người hoạt động không chuyên trách ở 14 phường xuống còn 98 người, giảm từ khoảng 1.700 người hoạt động không chuyên trách ở 124 tổ dân phố xuống còn hơn 400 người; tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Tiếp đó, các quận Hà Ðông, quận Nam Từ Liêm và huyện Chương Mỹ tiếp tục được thí điểm. Qua khảo sát tại các địa phương này, cả người dân và cán bộ không chuyên trách đều ủng hộ rất cao chủ trương của Thành ủy. Ðại diện Huyện ủy Chương Mỹ cho biết, nhân dân trên địa bàn rất ủng hộ, còn cán bộ không chuyên trách thì gương mẫu thực hiện, nhiều người chủ động xin nghỉ. Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nam Từ Liêm Lâm Quang Thao, trong số 1.408 phiếu thăm dò ý kiến phát ra, có 70% số người được hỏi khẳng định, việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách là rất cần thiết, 22% khẳng định là cần thiết...

Ðây là những tiền đề, kinh nghiệm quan trọng để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Ðề án 21-ÐA/TU và thực hiện ở quy mô rộng hơn trên địa bàn thành phố.

(Còn nữa)

Quốc Toản