Tìm biện pháp bảo tồn di chỉ Vườn Chuối

Di chỉ vườn chuối ( xã kim chung, huyện Hoài Ðức, Hà Nội) là địa điểm hiếm hoi của cả nước và duy nhất ở Hà Nội có sự nối tiếp của các nền văn hóa từ Ðồng Ðậu, Gò Mun, Ðông Sơn (kéo dài từ khoảng 1.500 năm trước Công nguyên đến khoảng năm 200 sau Công nguyên). Trước nguy cơ bị xóa sổ bởi việc xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang nỗ lực tìm biện pháp bảo tồn di chỉ này.

Hiện trường khai quật khảo cổ học Vườn Chuối (Lai Xá, Kim Chung, Hoài Ðức, Hà Nội). Ảnh: LINH ANH
Hiện trường khai quật khảo cổ học Vườn Chuối (Lai Xá, Kim Chung, Hoài Ðức, Hà Nội). Ảnh: LINH ANH

Vườn Chuối là một trong những di chỉ khảo cổ quan trọng của Hà Nội và cả nước. Tám đợt khảo cổ từ năm 1969 đến nay đã minh chứng đây là địa bàn cư trú của những công dân đầu tiên của Thủ đô từ khoảng 1.500 năm trước Công nguyên đến khoảng năm 200 sau Công nguyên, tương ứng với ba giai đoạn văn hóa từ Ðồng Ðậu, Gò Mun, Ðông Sơn. PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định: "Các hiện vật tại di chỉ Vườn Chuối bổ sung cho chúng ta kiến thức về thời Hùng Vương trên địa bàn Hà Nội. Trong các di chỉ khảo cổ học thời đại này, chỉ có vài ba di chỉ xuất hiện liên tục các giai đoạn văn hóa. Riêng ở Hà Nội, di chỉ xuất hiện liên tục các giai đoạn văn hóa như ở Vườn Chuối là duy nhất". Dù đã tìm thấy số lượng lớn các di vật khảo cổ, nhưng, vẫn còn rất nhiều bí ẩn trong lòng đất khu vực này, vì diện tích khai quật mới chỉ là 800 m2, so với tổng diện tích lên đến gần 2 ha.

Ðáng tiếc, mặc dù là di chỉ khảo cổ quan trọng hàng đầu, nhưng Vườn Chuối luôn đứng trước nguy cơ xóa sổ. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã quy hoạch toàn bộ 19.000 m2 của di chỉ Vườn Chuối nằm trong Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, do Công ty cổ phần xây dựng Thăng Long 9 quản lý. Công ty này từng cho máy xúc ủi đất khu Vườn Chuối, nhưng bị nhân dân phản đối, vì vậy đã phải tạm dừng. Di chỉ Vườn Chuối chưa nhận được sự quan tâm bảo vệ, cho nên đã từng xảy ra tình trạng đào trộm cổ vật, nhất là giai đoạn trước năm 2014. Hiện tình trạng đào trộm cổ vật đã giảm, song nhiều hộ gia đình tận dụng việc đất bỏ không để trồng cây, cho nên các di vật cũng bị ảnh hưởng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trương Minh Tiến cho biết: Trong hai cuộc họp gần đây liên quan đến việc bảo tồn di chỉ Vườn Chuối, Sở Văn hóa và Thể thao đã gửi giấy mời nhưng Công ty cổ phần xây dựng Thăng Long 9 đều không có mặt. Thực tế, di chỉ Vườn Chuối đang trong tình trạng "chỉ mành treo chuông". Trước thực trạng này, ngày 11-7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học đánh giá về giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối. Sở dĩ, doanh nghiệp có thể "lờ" ý kiến của ngành văn hóa, các nhà khoa học là do hiện chưa có hành lang pháp lý bảo vệ di chỉ Vườn Chuối. Các nhà khoa học thống nhất đề xuất cho rằng, với những giá trị độc đáo nêu trên, TP Hà Nội cần có biện pháp bảo tồn nguyên vẹn, tiến tới phát huy giá trị di sản này. Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Phạm Mai Hùng cho biết: "Di chỉ Vườn Chuối hoàn toàn đáp ứng đủ các tiêu chí là Di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia. Ðề nghị TP Hà Nội sớm xây dựng hồ sơ công nhận di tích trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch". Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, việc công nhận di tích quốc gia cho di chỉ Vườn Chuối là hết sức cần thiết. Sau khi công nhận sẽ có khoanh vùng bảo vệ và từ đó mới có biện pháp khai thác, phát huy giá trị thích hợp. Hà Nội cần sớm xây dựng kế hoạch để tiếp tục khai quật, đưa ra phương án bảo tồn một phần hoặc điều chỉnh quy hoạch của khu đô thị để bảo vệ di chỉ này.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, Sở Văn hóa và Thể thao ghi nhận những ý kiến của các nhà khoa học và sẽ gửi văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, yêu cầu chủ đầu tư phải dành diện tích bảo tồn cho khu di chỉ Vườn Chuối trong điều chỉnh quy hoạch chi tiết, đồng thời có biện pháp bảo vệ hiện trạng di chỉ quan trọng này. Sau khi có quy hoạch chi tiết, chủ đầu tư bàn giao mặt bằng, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ đề nghị UBND thành phố Hà Nội giao chủ đầu tư phối hợp với UBND huyện Hoài Ðức thực hiện xây dựng hồ sơ xếp hạng khu di chỉ.