Tiếp sức cho các không gian sáng tạo

Hà Nội hiện có 115 không gian sáng tạo hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau, góp phần quan trọng trong việc đưa văn hóa đến cộng đồng. Nhưng hầu hết các không gian sáng tạo đều gặp khó khăn. Để tạo điều kiện cho các không gian sáng tạo phát triển, nhiều cơ quan văn hóa trên địa bàn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ góp phần xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo hàng đầu của cả nước.

Không gian sáng tạo "Ơ kìa Hà Nội" trong một buổi giao lưu với các nghệ sĩ ghi-ta.
Không gian sáng tạo "Ơ kìa Hà Nội" trong một buổi giao lưu với các nghệ sĩ ghi-ta.

Còn nhiều khó khăn

Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm vừa giới thiệu dự án âm nhạc thể nghiệm với tên gọi “Hình của nhạc” phiên bản năm 2020 với chủ đề “Kết nối di sản”. Tất cả các nghệ sĩ có nhu cầu đều có thể nộp hồ sơ tham gia. Tiếp đó, dự án sẽ trao cơ hội cho khoảng bốn đến năm nhạc sĩ, nhóm nghệ sĩ trẻ tiếp cận và tìm hiểu kỹ các loại hình âm nhạc, nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương, ca trù, chầu văn... Từ đó, các nhạc sĩ triển khai ý tưởng, thực hiện tác phẩm âm nhạc mới trên chất liệu truyền thống trong thời gian sáu tháng. Dự án được quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh tại Việt Nam tài trợ. Đây là một trong nhiều hoạt động của Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm trong suốt tám năm qua. Trong những năm qua, Đom Đóm đã tổ chức nhiều sự kiện như: Đào tạo các khóa ngẫu hứng nhạc thể nghiệm, tổ chức liên hoan âm nhạc thể nghiệm, giới thiệu và trao đổi âm nhạc thể nghiệm đương đại Việt Nam và Đông - Nam Á… Trung tâm tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ thể nghiệm, đồng thời, góp phần đưa nghệ thuật gần gũi hơn với cộng đồng.

Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm là một loại hình không gian sáng tạo. Hà Nội hiện có 115 không gian sáng tạo như thế. Dù đã ra đời một thời gian, nhưng không gian sáng tạo là một khái niệm mới mẻ ở Việt Nam. Đó có thể là một quán cà-phê, một phòng tranh nghệ thuật… hay tập hợp của một nhóm nghệ sĩ, nhà thiết kế… mà các hoạt động có tính tương tác cao, có sự kết nối, sáng tạo, có định hướng kinh doanh. Hà Nội có nhiều không gian sáng tạo, hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau. Nếu Đom Đóm thiên về nghệ thuật đương đại, thể nghiệm, thì “Ơ kìa Hà Nội” lại là một quán cà-phê với không gian đậm chất hoài cổ. Ở đó diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, chiếu phim hay dạy cách làm các món ăn truyền thống của Hà Nội. Trong khi đó nhóm Thinkplayground (Nghĩ về sân chơi) tập hợp một nhóm kiến trúc sư, chuyên thiết kế sân chơi cho trẻ em, tìm nguồn tài trợ để tạo dựng sân chơi; Heritage Space là không gian nhằm xây dựng nền tảng cho các hoạt động thực hành nghệ thuật và triển lãm giữa các nghệ sĩ chuyên nghiệp quốc tế và các nghệ sĩ trẻ Việt Nam… Không gian sáng tạo ra đời và hoạt động sôi nổi đều đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn, mặt bằng, kiến thức kinh doanh. Đại diện tổ hợp Mắt trần Esemble cho biết, tổ hợp thiếu tư cách pháp nhân để tổ chức các hoạt động sáng tạo. Khi muốn tổ chức sự kiện, nhóm phải tìm cách hợp tác với các đơn vị khác, hạn chế rất nhiều cơ hội thể nghiệm tri thức sáng tạo. Trong khi đó, nhiều không gian sáng tạo khác gặp vướng mắc chung về giấy phép hoạt động, nhất là hoạt động tại các không gian công cộng.

Tiếp sức cho những không gian sáng tạo

Trong hồ sơ UBND thành phố Hà Nội đề nghị UNESCO ghi danh Thủ đô Hà Nội vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, những không gian sáng tạo là một điểm nhấn quan trọng. Thực hiện cam kết với UNESCO, Hà Nội đang nghiên cứu các giải pháp để hỗ trợ không gian sáng tạo phát triển. Theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, ngành văn hóa ghi nhận những khó khăn mà các không gian sáng tạo gặp phải và sẽ kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Nếu các cơ quan văn hóa của thành phố chung tay với các không gian sáng tạo, nhiều vướng mắc sẽ được giải quyết, nhất là về mặt bằng.

Về vấn đề này, Phó Trưởng ban Quản lý (BQL) Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết: “Địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có nhiều không gian dành cho các hoạt động văn hóa khác nhau, hiện do BQL Phố cổ Hà Nội phụ trách như: Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố Sách 19-12, không gian phố bích họa Phùng Hưng, Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ… BQL Phố cổ sẵn sàng tạo điều kiện để các không gian sáng tạo có địa điểm hoạt động. Trong đó, mỗi địa điểm lại có những đặc thù riêng, phù hợp với các loại hình nghệ thuật khác nhau. Riêng tại không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, các không gian sáng tạo muốn hoạt động chỉ cần thông báo và đăng ký lịch với cơ quan chức năng”. Đại diện một số cơ quan khác như: Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội… đều bày tỏ sẵn sàng hợp tác. Tuy nhiên, đại diện các không gian sáng tạo cần lên lịch sớm, đề xuất với các cơ quan văn hóa để bố trí mặt bằng, thu xếp thời gian cho phù hợp. Các địa điểm này đều hỗ trợ miễn phí về mặt bằng để các không gian sáng tạo hoạt động.

Sau khi được ghi danh là Thành phố sáng tạo, Hà Nội đang nỗ lực phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo bằng nhiều giải pháp khác nhau như: Chăm lo xây dựng nền tảng sáng tạo với các hoạt động giáo dục sáng tạo; xây dựng hạ tầng sáng tạo nhằm thu hút nguồn lực; tổ chức các sự kiện văn hóa sáng tạo quốc tế... Trong đó, việc các cơ quan văn hóa của Hà Nội sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các không gian sáng tạo sẽ tạo đà để các không gian sáng tạo có thêm môi trường hoạt động, phát triển, đem các giá trị văn hóa đến cộng đồng.