Thúc đẩy xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử

Thông qua bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Amazon, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020 đã vượt mốc một triệu USD, tăng gấp ba lần năm 2019. Con số này cho thấy xu hướng phát triển tất yếu của TMĐT xuyên biên giới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sở Công thương Hà Nội phối hợp Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cùng một số sàn TMĐT toàn cầu đang triển khai các chương trình tư vấn, hỗ trợ để các doanh nghiệp tận dụng tốt kênh xuất khẩu này.

Lễ khởi động chương trình "Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa". Ảnh: NGUYỄN HƯỜNG
Lễ khởi động chương trình "Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa". Ảnh: NGUYỄN HƯỜNG

Hà Nội hiện có 330 nghìn doanh nghiệp, trong đó có từ 90 - 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp này chiếm từ 35 - 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Thành phố đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 5% so với năm 2020, đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 20,4 tỷ USD. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu nêu trên, bên cạnh các kênh xuất khẩu truyền thống, rất cần thúc đẩy xuất khẩu qua kênh TMĐT, nhất là qua các sàn TMĐT toàn cầu như Amazon, Alibaba...
 
 Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2020, Sở đã chủ trì, phối hợp Cục TMĐT và Kinh tế số, Amazon Global Selling... tổ chức hội thảo “TMĐT xuyên biên giới với Amazon - Cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt”, thu hút sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp có nhu cầu kết nối, xuất khẩu hàng hóa vào kênh bán lẻ trực tuyến của Amazon. Sau hội nghị này, đã có nhiều doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu được một số mặt hàng vào hệ thống của Amazon. Theo thống kê, năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận doanh số bán hàng trên Amazon tăng gấp ba lần năm trước, vượt mốc một triệu USD, đóng góp một phần vào chỉ tiêu xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.
 
 Ông Trần Đức Trung, Nhà sáng lập thương hiệu Natural Neo cho biết, kinh doanh trên Amazon là một hành trình mới rất khó khăn, không chỉ vì rào cản ngôn ngữ mà còn chưa nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, khi nắm bắt được cách thức, thị trường thì doanh số bán hàng tăng dần. Nhờ bán hàng trên các sàn TMĐT toàn cầu, doanh nghiệp nhỏ có thể giảm khoản đầu tư vào cửa hàng truyền thống, văn phòng tại các nước, chi phí tìm kiếm và tiếp cận khách hàng truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm...
 
 Tiếp nối kết quả bước đầu này, cuối tháng 4 vừa qua, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục phối hợp Cục TMĐT và Kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức hội thảo “Xuất khẩu hàng Việt ra thế giới cùng Amazon”. Tại đây, Amazon Global Selling chính thức khởi xướng chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa” nhằm cung cấp kiến thức về TMĐT xuyên biên giới, hỗ trợ thiết lập và vận hành gian hàng trên Amazon, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh để phát triển doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu. Hội thảo thu hút hơn 200 doanh nghiệp tham dự, cho thấy nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam qua kênh TMĐT là rất lớn và cần thiết.
 
 Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cờ đỏ Trần Quốc Toản chia sẻ: “Cách thức xuất khẩu truyền thống trước đây là B2B tức là từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp, đại lý lớn. Nhưng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kênh thương mại truyền thống này khi nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại phải đóng cửa. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng khiến lượng đặt hàng online tăng nhanh, do đó, qua kênh TMĐT, doanh nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng và giữ được thị trường”.
 
 Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lại Việt Anh nhận định: Mặc dù nhận ra lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế, nhưng nhiều người bán hàng Việt Nam vẫn còn chần chừ vì chưa quen với khái niệm và thủ tục liên quan xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới, cũng như thiếu kiến thức lẫn kỹ năng trong lĩnh vực này. Với doanh thu TMĐT B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh rất hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, đồng thời, giảm rủi ro chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng xu hướng, chủ động vào cuộc kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu.
 
 Để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp tận dụng kênh xuất khẩu qua các sàn TMĐT toàn cầu, TP Hà Nội sẽ tổ chức các cuộc xúc tiến riêng từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố vào kênh TMĐT quốc tế. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn, đào tạo, trao đổi nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội hiểu rõ và nắm bắt được quy trình, thủ tục, các quy định của TMĐT thế giới như cách vận chuyển, hoàn trả, hủy hàng... cũng như cách thức chào hàng trực tuyến để có thể tạo được sự chú ý và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên khắp thế giới.
 
 Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh: “Hà Nội là địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đứng đầu cả nước về TMĐT. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội bốn tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 4.732 triệu USD, đã tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Tình hình xuất khẩu trong thời gian tới kỳ vọng tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của các nền kinh tế, các hiệp định thương mại tự do FTA được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Việc tận dụng cơ hội mà TMĐT toàn cầu đem tới sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần giúp thành phố đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra”.