Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn, cho thấy quyết tâm phát triển lĩnh vực thương mại điện tử, hình thành nền kinh tế số của thành phố. Nhưng song hành với tốc độ phát triển, thành phố cũng cần có các cơ chế, giải pháp quản lý hình thức kinh doanh hiện đại này chặt chẽ hơn.

Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin về các sản phẩm tại Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday. Ảnh: ÐĂNG ANH
Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin về các sản phẩm tại Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday. Ảnh: ÐĂNG ANH

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thời gian qua tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và quy mô. Theo số liệu thống kê, tổng doanh thu của các công ty thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2018 đã đạt 2,26 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm 2017. Với kết quả đó, Việt Nam đã vươn lên thứ sáu trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Ðức. Dự báo, năm 2019, mức tăng trưởng của thương mại điện tử nước ta sẽ đạt 35% so với năm 2018.

Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội được đánh giá là một trong các thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất. Nhiều năm qua, Hà Nội luôn xếp từ thứ hai trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI). Nắm bắt xu hướng phát triển này, thành phố đã tiếp tục đề ra các mục tiêu phát triển thương mại điện tử cho năm 2019. Cụ thể, doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ chiếm 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố (cao hơn năm 2018 là 1%). Ðồng thời, tăng tỷ lệ người dân Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến lên 68% số người sử dụng in-tơ-nét trên địa bàn.

Về phía các doanh nghiệp, 85% số cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và 25% số cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ. 95% số doanh nghiệp có trang web hoặc ứng dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. 80% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc. 10 nghìn lượt đăng ký thành viên tham gia Chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi của TP Hà Nội (tại địa chỉ www.chonhaminh.gov.vn)...

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, kế hoạch này là hoàn toàn khả thi bởi Hà Nội có nền tảng công nghệ phát triển, trình độ người dân khá cao và số lượng dân số trẻ lớn, là đối tượng yêu thích xu hướng mua hàng và thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế quản lý vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển nhanh, hình thức mới của lĩnh vực thương mại điện tử. Ðơn cử, về vấn đề thuế, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống thường có cửa hàng, địa chỉ cụ thể, các giao dịch qua thương mại điện tử lại diễn ra trên môi trường mạng, rất khó kiểm chứng thông tin nhận dạng người bán. Tại Việt Nam vẫn đang sử dụng chủ yếu là hóa đơn giấy, ít dùng hóa đơn điện tử, cho nên việc kiểm soát thuế trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

Ðại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra ngay được. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể cho nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn. Ngoài ra, hạ tầng logistics của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Ðơn cử, hiện nay phương tiện chở hàng chủ yếu là xe máy, dù đã được cải tiến bằng cách gắn thêm thùng đựng phía sau, nhưng sức chứa rất hạn chế. Như vậy, công suất và hiệu quả giao hàng còn thấp. Bên cạnh đó, khách hàng chủ yếu lựa chọn hình thức giao hàng thu tiền hộ, chưa khuyến khích được thanh toán không dùng tiền mặt.

Ðể tạo động lực cho thương mại điện tử phát triển, khắc phục những mặt hạn chế hiện nay, Hà Nội tiếp tục khuyến khích người dân lựa chọn và sử dụng hình thức mua sắm online, thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ trực tuyến, như đặt phòng khách sạn, tua du lịch; đặt chỗ, mua vé máy bay, tàu hỏa, gọi xe ta-xi; giáo dục trực tuyến; tư vấn khám bệnh trực tuyến… Trong đó, chú trọng ứng dụng mã hình QR không chỉ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, mà còn thực hiện thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử..., hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán và người mua.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển logistics điện tử để phục vụ hoạt động thương mại điện tử, xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới dịch vụ vận chuyển, hạ tầng logistics, giao nhận hàng hóa trong địa bàn Hà Nội với các khu vực khác. Ngoài ra, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động này, tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.