Thúc đẩy giao lưu văn hóa Hà Nội - Nhật Bản

Sau ba ngày trưng bày, ước tính đã có khoảng một triệu lượt khách đến với Lễ hội hoa anh đào Hà Nội – Nhật Bản 2019. Ðây là con số lớn nhất từ trước đến nay, cho thấy sức hút mạnh mẽ của lễ hội. Ngoài ngắm hoa, khách tham quan còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Múa Y-ô-xa-koi, trình diễn thư pháp, tìm hiểu trà đạo, thưởng thức ẩm thực… Những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Các thí sinh tham dự Cuộc thi Ðại sứ thiện chí hoa anh đào 2019. Ảnh: MỸ LINH
Các thí sinh tham dự Cuộc thi Ðại sứ thiện chí hoa anh đào 2019. Ảnh: MỸ LINH

Ngay sau lễ khai mạc tối 29-3, không gian vườn hoa Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, khu vực Nhà bát giác - nơi trưng bày hoa anh đào và diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản luôn đông kín người đến tham quan. Với 100 cây và 20 nghìn cành anh đào năm nay, Ban Tổ chức trưng bày số lượng hoa lớn gần gấp đôi Lễ hội hoa anh đào 2018. Việc thiết kế được đầu tư bài bản, quy mô hơn. Nhiều tiểu cảnh đẹp được tạo ra. Hoa được kết thành những mô hình đẹp mắt, mô phỏng những thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Trong đó, thu hút đông người xem nhất là hai mô hình kết hoa gồm: Núi Phú Sĩ - tượng trưng cho văn hóa Nhật Bản và Khuê Văn Các - tượng trưng cho văn hóa Hà Nội. Ban Tổ chức cũng thiết kế một cây cầu mầu đỏ, cộng hưởng với sắc hoa anh đào, tạo cho khách tham quan một cảm giác như đang được đến đất nước Nhật Bản. Hoa anh đào được thiết kế hài hòa với hoa cúc, hoa lan, hoa trạng nguyên của Việt Nam, thể hiện đúng tinh thần giao lưu văn hóa giữa hai nước. Phó trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết: “Ðể bảo đảm chất lượng hoa trưng bày, Ban Tổ chức chuẩn bị một lượng hoa dự trữ. Công nhân Công ty Công viên Cây xanh luôn bổ sung hoa thay thế để bảo đảm chất lượng trưng bày đẹp nhất”.

Mặc dù đây là lần thứ ba Lễ hội hoa anh đào được tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ, nhưng các vị khách vẫn tỏ ra hết sức háo hức. Việc tham quan diễn ra thuận lợi hơn khi lễ hội diễn ra đúng dịp thành phố tổ chức phố đi bộ. Ðáng chú ý, không phải chỉ giới trẻ, khách tham quan lứa tuổi trung niên và cao niên năm nay chiếm số lượng áp đảo. Nhiều người diện áo dài, áo ki-mô-nô đến đây để tham quan kết hợp chụp ảnh. Ông Trịnh Minh Phúc (78 tuổi, phường Láng Hạ, quận Ðống Ða) cho biết: “Triển lãm hoa anh đào tại Hà Nội là sự kiện rất ý nghĩa, vì không phải ai cũng có điều kiện đi sang nước bạn ngắm hoa. Ở lễ hội chủ yếu là cành hoa, nhưng tôi thấy việc hoa trưng bày luôn được duy trì tươi tắn là nỗ lực rất lớn của Ban Tổ chức trong việc vận chuyển, bảo quản. Nếu như Việt Nam có thể làm ngược lại, giới thiệu hoa sen, biểu diễn hát chầu văn, ca trù, rối nước… giới thiệu đến Nhật Bản thì rất tốt”.

Không khí Lễ hội hoa anh đào trở nên sôi động hơn với các tiết mục múa Y-ô-xa-koi được trình diễn ở sân khấu trung tâm, trên đường Ðinh Tiên Hoàng, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Năm nay có 18 đội với 700 diễn viên quần chúng, chủ yếu là sinh viên đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Múa Y-ô-xa-koi ra đời từ năm 1954, trên cơ sở một điệu múa truyền thống của người Nhật Bản. Ðiểm nổi bật của điệu múa là tính cộng đồng, khi mỗi đội múa thường có 30 người tham gia trở lên; những diễn viên luôn nở nụ cười trên môi - đó chính là tinh thần lạc quan của người Nhật Bản giúp họ vượt qua những khó khăn. Cùng với đó, trang phục, vũ đạo cũng hết sức độc đáo. Ðặc trưng này khiến cho điệu múa có sức lan tỏa mạnh mẽ tới hàng chục quốc gia trên thế giới, thu hút đông đảo người xem.

Lễ hội hoa anh đào năm nay được tổ chức thành một chuỗi các sự kiện nối tiếp, gồm Hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch Hà Nội - Nhật Bản, giao lưu văn hóa ẩm thực Hà Nội - Nhật Bản, cuộc thi Ðại sứ Thiện chí Hoa anh đào. Trong đó, tối 28-3, cuộc thi Ðại sứ thiện chí hoa anh đào đã diễn ra tại Trung tâm Galaxy (số 87 Láng Hạ). Ðây là lần đầu Việt Nam tổ chức cuộc thi Ðại sứ thiện chí hoa anh đào thu hút 100 thí sinh tham dự. 15 thí sinh có ngoại hình đẹp, có trình độ tiếng Nhật, hiểu biết về văn hóa Nhật Bản và có những ý tưởng thú vị về phát triển mối giao lưu Việt Nam - Nhật Bản đã lọt vào đêm chung kết. Trải qua các phần thi: Trang phục áo dài, trang phục dạ hội, hùng biện, ứng xử, thí sinh Trần Diệu Anh, người theo học thạc sĩ tại Trường đại học Việt Nhật đã vinh dự trở thành Ðại sứ thiện chí hoa anh đào thứ nhất; thí sinh Phạm Ngọc Linh - Tiếp viên của hãng Hàng không Vietnam Airlines đã giành giải Ðại sứ Thiện chí hoa anh đào thứ hai. Trong đó, phần thi hùng biện và ứng xử của các thí sinh đã gợi mở những biện pháp thúc đẩy giao lưu văn hóa hai nước, như các ý tưởng về truyền tải phương pháp bảo vệ môi trường của người Nhật đến Việt Nam; xây dựng dự án truyện cổ tích Việt - Nhật để kết nối văn hóa hai nước; dạy tiếng Nhật ở Việt Nam... Sau khi giành được giải thưởng, hai đại sứ sẽ tiếp tục có các hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.

Ðúng vào dịp Lễ hội hoa anh đào được tổ chức, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm về nghệ thuật cắm hoa I-ke-ba-na của Nhật Bản tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (số 50, phố Ðào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm). Cuộc tọa đàm có sự hiện diện của giảng viên cao cấp về nghệ thuật cắm hoa I-ke-ba-na Lê Phạm Việt Hà cùng họa sĩ Ðỗ Vy Anh chia sẻ những kiến thức sâu sắc về môn nghệ thuật này. Tại buổi giao lưu, nghệ nhân bày tỏ mong muốn có thêm những hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Cùng với văn hóa, các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản đều phát triển mạnh trong những năm gần đây. Những hoạt động này đã tạo thêm món ăn tinh thần cho người dân Thủ đô, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng phát triển.