Thu hút hành khách nội đô bằng xe buýt nhỏ

Dù đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, từ phương tiện đến mạng lưới nhưng hiện xe buýt tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng xe buýt nhỏ là giải pháp khả thi cho vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội trong điều kiện hạ tầng ngày càng chật chội.

Xe buýt nhỏ hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: HUY HÙNG
Xe buýt nhỏ hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: HUY HÙNG

Phù hợp hạ tầng nội đô

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thời gian đi lại của người dân Hà Nội từ nhà đến điểm tiếp cận giao thông công cộng là quá dài. Trước kia có quan niệm khi đường sắt đô thị ra đời thì xe buýt công cộng sẽ không còn được nhiều người sử dụng nhưng thực tế, nếu tổ chức hợp lý, lựa chọn phương tiện phù hợp thì vẫn có thể thu hút người dân tham gia. Tiến sĩ Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phân tích, khu vực nội thành Hà Nội từ phạm vi đường vành đai 1 trở vào, có đặc điểm đường phố hẹp, hơn 70% số đường có mặt cắt dưới 7 m, tỷ lệ đường có khả năng lưu thông xe buýt khoảng gần 2.000 km trên tổng số gần 4.000 km toàn thành phố. Hiện có 1.546 xe buýt các loại đang vận hành khai thác, trong đó xe buýt loại vừa và lớn là 1.485 xe (chiếm 96%), loại nhỏ (24 chỗ) là 61 xe (chiếm 4%). “Với hạ tầng như vậy, việc sử dụng buýt cỡ lớn trong các tuyến phố nhỏ, chật hẹp là không phù hợp, thường gây ùn tắc giao thông. Thành phố nên phát triển mi-ni buýt (xe buýt nhỏ có sức chứa từ 16 chỗ trở xuống) nhằm kết nối tới những phương thức vận tải hành khách khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT hay các tuyến đường sắt đô thị trong tổng thể mạng lưới giao thông công cộng tại Hà Nội”, ông Chung nói.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cũng cho rằng, xe buýt nhỏ không chiếm diện tích đường lớn, đỡ cản trở các phương tiện khác trong không gian tuyến phố nhỏ hẹp, tần suất hoạt động lớn, sẽ rất phù hợp để chuyên chở người tại các khu đô thị, khu tập thể hoặc các tuyến đường nhỏ. Tại Hà Nội,hiện có gần 100 khu đô thị có thể sử dụng loại hình buýt này như: Times City, An Khánh, Ciputra, Việt Hưng, Văn Quán, Sài Ðồng, Ðặng Xá, Mỹ Ðình, Pháp Vân - Tứ Hiệp... Hay nhiều tuyến phố nội đô có lộ trình ngắn, đường hẹp cũng rất phù hợp để xe buýt nhỏ hoạt động như các khu phố cũ, phố cổ; các tuyến đường nhỏ như Nguyễn Huy Tưởng, Hạ Ðình, Lương Thế Vinh, Chiến Thắng, Khương Trung, Phúc Diễn, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách, Nguyên Hồng, Thành Công, Trích Sài, các tuyến đường mới mở ven sông Lừ, Quảng An,... Ðây chính là điều kiện để buýt nhỏ có thể hoạt động hiệu quả.

Cần các giải pháp đồng bộ

Theo nhiều chuyên gia giao thông đô thị, sẽ không có phép mầu để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân và chuyển sang sử dụng vận tải hành khách công cộng, bởi thực tế cho thấy, việc mất quá nhiều thời gian đi lại chính là yếu tố chủ yếu dẫn tới việc những người trong độ tuổi đi làm không sử dụng xe buýt hằng ngày. Mạng lưới xe buýt dù đã phủ rộng, nhưng vẫn còn những khu vực, người dân phải đi bộ cả cây số mới tới điểm đón xe. Vì vậy, chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, xe buýt muốn thu hút được những đối tượng trong độ tuổi đi làm có mức thu nhập trung bình thì tiêu chí đầu tiên phải bảo đảm là thời gian đi lại bằng xe buýt có thể cạnh tranh một cách tương đối so với xe máy. Muốn đạt được điều đó, xe buýt cần phải được ưu tiên trong việc tổ chức giao thông bằng việc tạo làn và tổ chức đèn tín hiệu ưu tiên khi chạy qua các giao cắt có đèn tín hiệu. Bên cạnh đó, xe buýt cần chạy đúng giờ theo biểu đồ chạy xe và người dân có thể cập nhật thông tin chính xác bằng điện thoại.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật cho biết, hiện đơn vị này khai thác 11 tuyến sử dụng xe buýt nhỏ loại 30 chỗ với 105 xe. Số xe này chiếm 6,5% lượng xe buýt đang khai thác, nhưng chỉ phục vụ được 3% lượng hành khách. Mặc dù thừa nhận vai trò của mi-ni buýt trong kết nối vận tải công cộng là cần thiết, nhưng với hệ số hoạt động thấp và phạm vi hoạt động không nhiều, ông Nhật kiến nghị cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho mi-ni buýt, có chính sách hỗ trợ đầu tư phương tiện, lãi vay để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Ðồng tình quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc xây dựng, phát triển mi-ni buýt phải phù hợp với nhu cầu người dân bởi đây là các tuyến buýt gom. Ðể mi-ni buýt “sống” được, cần đáp ứng các tiêu chí từ quy hoạch lại mạng tuyến, hệ thống giá vé phải linh hoạt, Nhà nước có cơ chế khuyến khích đầu tư, nhất là phải tuyên truyền thay đổi tư duy người dân vốn quen sử dụng xe máy khi di chuyển.

Dự kiến giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội triển khai khoảng 30 tuyến mi-ni buýt. Trong đó, sẽ tổ chức khoảng 10 tuyến ở khu vực phố cổ, phố cũ; bố trí khoảng năm tuyến ở các trục đường có mặt cắt ngang nhỏ thuộc quận Thanh Xuân, quận Hà Ðông; khoảng 15 tuyến ở các khu đô thị. Sở GTVT Hà Nội sẽ khảo sát về nhu cầu, hạ tầng tại các khu vực dự kiến triển khai mi-ni buýt để xây dựng cụ thể kế hoạch mở tuyến, trình UBND thành phố xin ý kiến chỉ đạo và triển khai.