Thiếu quy hoạch bài bản, nông sản mất giá

Sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao tại Hà Nội như hoa ly, hoa hồng, cam Canh, bưởi Diễn… liên tục mất giá, khiến người sản xuất gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quy hoạch sản xuất nông nghiệp bài bản trên quy mô toàn thành phố. Huyện nào cũng quy hoạch vùng trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, mà chưa tìm ra được loại cây trồng thế mạnh, đặc sản của địa phương, dẫn đến “cung” vượt “cầu”.

Phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, vốn là vựa hoa lớn nhất ở Thủ đô. Nhiều giống hoa mới, có giá trị kinh tế cao như lan hồ điệp, hoa ly, hoa đồng tiền… được người dân trồng thành công, với quy mô ngày càng lớn. Không chỉ sản xuất tại địa phương, nhiều người dân Tây Tựu còn thuê đất tại các huyện Hoài Ðức, Ðan Phượng, Ðông Anh để trồng hoa ly phục vụ thị trường hoa Tết. Tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, do trời rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều vườn hoa ly nở muộn, giá bán giảm mạnh. Trước Tết, hoa ly có giá bán từ 300 đến 600 nghìn đồng/bó mười cành, tùy thuộc vào số lượng hoa từng cành, nhưng từ ngày mồng 5 tháng Giêng, giá bán chỉ còn khoảng 50 nghìn đồng/bó. Thậm chí những ngày gần đây, giá bán hoa ly rớt xuống còn 20 nghìn đến 30 nghìn đồng/bó, nhưng vẫn ít người mua.

Anh Nguyễn Văn Hà, người thuê đất trồng hơn ba sào hoa ly tại xã Song Phượng, huyện Ðan Phượng cho biết, giá mua củ hoa ly cộng với tiền thuê đất, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện thắp sáng…, tính ra mỗi cành hoa ly có giá thành khoảng 20 nghìn đồng. Giá bán như hiện nay khiến người trồng hoa lỗ nặng. Bản thân gia đình anh đã bán được hơn một sào trước Tết, nhưng vụ hoa ly năm nay vẫn bị lỗ hơn 50 triệu đồng. Hai sào trồng hoa lay-ơn nở muộn sau Tết, giá chỉ còn 20 nghìn đồng/chục cành, nhưng không có người mua.

Dịp Tết năm nay, lan hồ điệp - loại hoa thường có giá bán rất cao trong những năm trước, cũng rớt giá thảm hại, còn khoảng 100 nghìn đồng/cành. Hoa mai cũng chỉ còn từ 100 đến 200 nghìn đồng/chậu. Càng những ngày sát Tết, quất cảnh càng rẻ và khó bán. Chiều 30 Tết, một số người đã chặt bỏ quất cảnh, chứ không chịu bán vì giá quá rẻ. Cam Canh, bưởi Diễn, những mặt hàng đặc trưng của Hà Nội, giá cũng chỉ bằng một nửa so với mọi năm.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do nguồn cung các loại nông sản đổ về Hà Nội trong dịp Tết tăng cao, trong khi các loại nông sản của Hà Nội thiếu tính cạnh tranh. Sau khi dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch ruộng đất, cải tạo hệ thống thủy lợi, đường giao thông, các huyện từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Người dân mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư trồng nhiều loại giống cây mới, có năng suất cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên, trong khi chưa có quy hoạch vùng sản xuất, các địa phương đều có mô hình phát triển nông nghiệp na ná nhau.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính chung trên toàn thành phố, diện tích trồng hoa, cây cảnh năm 2017 đạt hơn 6.230 ha, tăng gần 6% so với năm 2016; diện tích trồng các loại cây lâu năm cũng tăng hơn 3%, trong đó riêng cam, quýt và các loại quả có múi đạt gần 6.300 ha, tăng gần 8%. Ngoài ra còn phải kể đến một lượng lớn nông sản nước ngoài, với chất lượng, giá thành cạnh tranh được nhập về tiêu thụ tại Hà Nội, khiến nguồn cung ngày càng dồi dào. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, nhưng các vùng sản xuất an toàn của Hà Nội còn ít. Các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc mới chỉ đạt khoảng 30%. Công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa tốt, dẫn đến nhiều nông sản chất lượng của Hà Nội khó tiêu thụ.

Phát triển cây trồng chất lượng tốt, có năng suất, giá trị kinh tế cao là định hướng phát triển của ngành nông nghiệp Thủ đô. Ðể làm được điều này, tránh xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm xây dựng quy hoạch tổng thể, kết nối đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Từng địa phương lựa chọn phát triển một số loại nông sản thế mạnh, đặc sản. Xây dựng quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tăng cường xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu tập thể và xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn như chợ đầu mối, siêu thị.