Thích ứng với cách ra đề thi lớp 10

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố Đề thi tham khảo kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân để học sinh và phụ huynh làm quen với hình thức thi mới. Việc bổ sung thêm môn thi và áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đòi hỏi cả giáo viên và học sinh các trường THCS tại Hà Nội phải có sự thay đổi trong phương pháp dạy và học để có kết quả tốt trong kỳ thi có tính cạnh tranh cao này.

Học sinh làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019.
Học sinh làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019.

Sớm tiệm cận với yêu cầu kỳ thi THPT quốc gia

Một trong những đánh giá tích cực về phương thức thi lớp 10 năm 2019 của Hà Nội là việc áp dụng thi bốn môn, trong đó có hai môn thi trắc nghiệm giúp định hướng đổi mới cách dạy và học bậc THCS tiệm cận với hình thức thi THPT quốc gia. Cô giáo Nguyễn Vĩnh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS (Pascal, quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ sự ủng hộ đối với định hướng thi bốn môn và cách ra đề như đề minh họa vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội công bố ngày 31-10. “Thi trắc nghiệm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không phải là việc gì quá xa lạ, nhưng với học sinh Thủ đô cũng là một sự thay đổi lớn, khiến phụ huynh và học sinh rất quan tâm. Thực tế, sự thay đổi này sẽ có tác động tốt cho phương pháp dạy và học cho học sinh THCS, bởi khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, đồng thời giúp học sinh trang bị hệ thống kiến thức nền tảng toàn diện trước khi bước vào bậc học THPT”, cô giáo Vĩnh Hà đánh giá.

Đánh giá về đề minh họa bảy môn có thể được chọn làm môn thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019, nhiều giáo viên nhận định, đề thi bao phủ toàn bộ chương trình lớp 9, nhưng có khoảng 20% số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 8. Các câu hỏi đáp ứng theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng và không mang tính đánh đố học sinh. Các em học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm bài tốt. Đáng chú ý, các câu hỏi không sắp xếp theo thứ tự các cấp độ và xuất hiện một số câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn.

Việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đòi hỏi cả giáo viên và học sinh đều phải có sự thay đổi trong phương pháp dạy và học để thích nghi. Với các em học sinh, việc đầu tiên là cần thay đổi tư duy trong việc chỉ học hai môn Văn và Toán, mà bỏ qua các môn học còn lại, đồng thời phải thay đổi phương pháp học tập cho phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm, chú trọng rèn kỹ năng, phương pháp, nhất là rèn phản xạ làm bài. Còn đối với giáo viên, việc áp dụng thi trắc nghiệm đặt ra yêu cầu đổi mới toàn bộ phương pháp dạy và ra đề thi, khi mà các thầy giáo, cô giáo đã quen với công việc dạy học theo hình thức tự luận. Bên cạnh việc thay đổi giáo án giảng dạy là việc thay đổi phương pháp truyền thụ và biên soạn câu hỏi. Giáo viên không thể nhồi nhét toàn bộ kiến thức cho học sinh, bởi lẽ đề thi quá rộng và học sinh thì không phải chỉ học duy nhất một môn, mà phải suy nghĩ làm sao cho học sinh của mình nắm được bài, hiểu bài và nhớ được lâu các kiến thức trọng tâm, đồng thời có khả năng vận dụng thành thạo kiến thức vào việc xử lý các câu hỏi.

Những kỹ năng học sinh cần lưu ý

Với môn Lịch sử, môn mà nhiều học sinh lo lắng về lượng kiến thức cần ghi nhớ quá nhiều, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, chuyên ngành Lịch sử, Trường đại học Thủ Đô Hà Nội nhận định, với cấu trúc đề thi môn Lịch sử mà Sở GD và ĐT Hà Nội ra hiện nay, yêu cầu học sinh phải học nghiêm túc ngay từ học kỳ I. Các em phải hiểu bài và nhớ những mốc thời gian chính, cốt lõi của từng sự kiện. Nếu các em học lan man sẽ dễ bị “loạn” khi khối lượng kiến thức môn học nhiều. Vì vậy, các em nên có kế hoạch học tập cụ thể với môn học này bằng cách hệ thống các chuyên đề, các phần, để rạch ròi về kiến thức trong quá trình học, tránh bị nhầm lẫn, nên đọc sách giáo khoa ở nhà trước khi lên lớp, tăng cường làm bài tập trắc nghiệm qua các tài liệu tham khảo, cố gắng hiểu bài ngay tại lớp. Các em cũng không nên quá lo lắng vì kiến thức thi chỉ là kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa lớp 9, nếu chúng ta học nghiêm túc ngay từ giờ hoàn toàn có khả năng đạt kết quả cao như mong muốn.

Môn Tiếng Anh cũng khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng khi lần đầu được đưa vào kỳ thi lớp 10. Đánh giá về đề thi môn này, thầy Nguyễn Danh Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) cho biết, với 40 câu hỏi, trong đó có 32 câu trắc nghiệm và tám câu tự luận, đề minh họa gồm các nội dung về phát âm, ngữ pháp, từ vựng, tình huống giao tiếp, đọc hiểu và viết câu. Tỷ lệ câu hỏi trắc nghiệm cao, cho nên học sinh một mặt cần nắm chắc kiến thức để phân biệt câu đúng, sai; mặt khác cũng cần rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm. Thầy Nguyễn Danh Chiến đưa ra lời khuyên: “Học sinh cần dành một vài tuần ôn tập lại kiến thức từ lớp 6, 7, 8. Sau đó tập trung nhiều cho chương trình lớp 9. Trước khi đến lớp, các em cần chuẩn bị tốt bài ở nhà, đọc kỹ sách giáo khoa và làm bài tập. Trên lớp chú ý nghe hướng dẫn, tích cực luyện tập và phối hợp học cùng bạn bè sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và hiệu quả”.