Thể hiện trách nhiệm, vị thế của Thủ đô đối với cả nước

Tâm huyết, trách nhiệm, với sự đồng thuận cao, kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân TP Hà Nội khóa 15 đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách sáu tháng cuối năm 2020 của TP Hà Nội. Ðây là căn cứ quan trọng để thành phố khơi thông nguồn lực, tạo sự chủ động trong thực hiện mục tiêu "kép" phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Các đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp lần thứ 15. Ảnh: ĐĂNG ANH
Các đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp lần thứ 15. Ảnh: ĐĂNG ANH

Phấn đấu tăng trưởng gấp 1,3 lần so với cả nước

Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước, TP Hà Nội dự báo và xây dựng hai kịch bản tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm 2020. Kịch bản một: Tăng trưởng quý III đạt 7,8%, quý IV đạt 8,4%, dự báo cả năm đạt 5,9% (tăng gấp 1,3 lần mức tăng trưởng cả nước từ 4,4 đến 5,2%). Kịch bản hai: Tăng trưởng quý III đạt 6,9%, quý IV đạt 7,4%, dự báo cả năm đạt 5,4% (tăng gấp 1,3 lần mức tăng trưởng cả nước từ 3,6 đến 4,4%). Ðồng tình cao với mục tiêu sáu tháng cuối năm tăng trưởng của Hà Nội sẽ tăng gấp 1,3 lần so với cả nước, các đại biểu HÐND thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết để thành phố có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra.

Ðại biểu Trần Thị Vân Hoa (tổ Tây Hồ) đề nghị, thành phố nên phát huy mọi nguồn lực và quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu "kép", ngăn ngừa dịch bệnh quay lại. Thành phố cần cân nhắc điều chỉnh hai chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu do những tác động của dịch bệnh có độ trễ. Bên cạnh đó, thành phố cần duy trì, phát huy các lợi thế của ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh chuyển đổi số, khuyến khích các sở, ngành tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hội họp, giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tiết kiệm chi phí cho người dân.

Quan tâm đến hoạt động của các doanh nghiệp, đại biểu Phạm Ðình Ðoàn (tổ Hoàng Mai) đánh giá: Trung ương và thành phố đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, song việc tiếp cận, thụ hưởng các chính sách này còn thấp. Ðiều cộng đồng doanh nghiệp cần nhất hiện nay là được hỗ trợ về cơ chế, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, như giảm giá điện, giảm phí cầu đường, hỗ trợ tiền thuê đất, đào tạo nguồn nhân lực… Ngoài ra, thành phố cần đánh giá lại quỹ đất "sạch" để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, theo hướng mang lại giá trị cao, phù hợp với môi trường đô thị, đồng thời đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để sớm có mặt bằng thu hút nhà đầu tư.

Tạo môi trường thông thoáng đón làn sóng đầu tư

Ghi nhận những kết quả thành phố đạt được sáu tháng đầu năm, tại kỳ họp, các đại biểu HÐND đánh giá cao việc Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Ðầu tư và Phát triển", trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án với tổng vốn đầu tư 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD), ký 38 biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư có tổng giá trị 28,6 tỷ USD. Các ý kiến nhấn mạnh, việc tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư đã thể hiện Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong việc hồi phục và phát triển kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong nước. Ðiều cần thiết hiện nay là thành phố sớm triển khai các nội dung để biến các cam kết, biên bản ghi nhớ thành hiện thực.

Quan tâm đến việc triển khai các dự án đầu tư, đại biểu Ðỗ Mạnh Hải (tổ Long Biên) lưu ý, với dự án mới, thành phố cần rút bài học kinh nghiệm từ các dự án chậm triển khai thời gian qua. Ðại biểu cho rằng, chỉ khi nào thành phố kiểm soát được năng lực của chủ đầu tư, chuẩn bị dự án một cách bài bản thì mới khởi công. Khi đã khởi công thì phải ấn định ngày hoàn thành. Như vậy sẽ khẳng định được hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng cứ khởi công, động thổ, nhưng không biết bao giờ hoàn thành. "Các dự án chỉ có giá trị khi là sản phẩm hoàn chỉnh, góp phần tích cực đến tăng trưởng kinh tế" - đại biểu Ðỗ Mạnh Hải nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung cho biết, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Ðồng thời, xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể để triển khai các nội dung cam kết tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Ðầu tư và Phát triển", bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp điều hành tài chính để bảo đảm cân đối thu chi hợp lý. Việc Hà Nội không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng cao gấp 1,3 lần so với cả nước đã khẳng định quyết tâm cao của thành phố trong thực hiện kế hoạch năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ðiều đó cũng thể hiện trách nhiệm, vị thế của Thủ đô đối với cả nước, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

NGỌC TRÂM