Thành phố sáng tạo - thương hiệu mới của Thủ đô

Công nghiệp văn hóa, sáng tạo văn hóa đang là xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Hà Nội có bề dày truyền thống văn hóa và hệ thống di sản đồ sộ. Những chính sách phù hợp đang giúp các giá trị văn hóa của thành phố không chỉ được gìn giữ, bảo tồn, chất lượng hưởng thụ văn hóa của cộng đồng được nâng cao, mà còn khuyến khích cộng đồng sáng tạo, phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội. Đó là động lực để Hà Nội hướng tới danh hiệu Thành phố sáng tạo của UNESCO, xây dựng thương hiệu mới cho Thủ đô.

Điệu múa cổ được biểu diễn tại lễ hội "Trái tim hòa bình". Ảnh: MINH HÀ
Điệu múa cổ được biểu diễn tại lễ hội "Trái tim hòa bình". Ảnh: MINH HÀ

Bài 1 : Từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo”

Hà Nội luôn được biết đến là điểm đến an toàn, thân thiện, giàu truyền thống văn hóa. Đó là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền, người dân Thủ đô trong xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn các giá trị di sản, giữ gìn danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Thành tựu này là tiền đề quan trọng để Hà Nội hướng tới xây dựng Thành phố sáng tạo.


Đời sống văn hóa của người dân được nâng cao

Lễ hội Trái tim hòa bình tổ chức vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày TP Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình tháng 7 vừa qua đã kết thúc, để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhiều người. Ấn tượng về lễ hội Trái tim hòa bình đến từ sự phong phú, sáng tạo khi những nét văn hóa truyền thống được cách điệu phù hợp với không gian của một lễ hội đường phố, pha trộn với những hoạt động văn hóa, thể thao đương đại. Đó cũng chính là hình ảnh phản chiếu đời sống văn hóa của Hà Nội hôm nay.

Hà Nội là Thủ đô di sản, với 5.922 di tích và 1.783 di sản văn hóa phi vật thể. Sự giàu có về văn hóa, sự quan tâm của TP Hà Nội với phát triển văn hóa, con người là một trong những nhân tố quan trọng để UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình năm 1999. Thủ đô đã qua nhiều chặng đường phát triển, trong suốt quá trình ấy, văn hóa, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm. Trong nhiều nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình 04 về “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Tiếp đó, khi Nghị quyết số 33 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" được ban hành, vấn đề phát triển văn hóa, con người còn được quan tâm sâu sắc hơn. Thành phố đã cụ thể hóa việc thực hiện Chương trình 04, Nghị quyết 33 bằng những chương trình, đề án cụ thể. Một khối lượng công việc rất lớn đã được thực hiện. Chỉ riêng với hệ thống di sản, Hà Nội triển khai hai đề án: Tổng kiểm kê di tích, Tổng kiểm kê di sản. Thực hiện kiểm kê mỗi di tích, di sản là một bộ hồ sơ. Cán bộ quản lý cùng người dân rà soát, đánh giá lại hiện trạng di tích, di sản ở từng địa phương. Quá trình đó giúp nhận thức về di sản của cán bộ, người dân được nâng lên, làm nền tảng để huy động sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Hà Nội có tới 1.350 làng nghề. Nhiều làng nghề truyền thống chứa đựng những giá trị văn hóa quý báu như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, tò he Phượng Dực, hay các làng nghề chạm gỗ như: Chàng Sơn, Sơn Đồng, Vạn Điểm… Những chính sách khuyến khích làng nghề phát triển giúp cho nhiều làng không chỉ bảo tồn được di sản nghề truyền thống, mà còn trở thành “mỏ vàng” về phát triển kinh tế. Năm 2018, tổng doanh thu trực tiếp từ khu vực làng nghề của Hà Nội đạt gần một tỷ USD.

Thành phố đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa đồng bộ với 23 thiết chế văn hóa cấp thành phố; hầu hết các quận, huyện, thị xã đều có trung tâm văn hóa thông tin, sân vận động, nhà thi đấu cấp quận, huyện. Ở cơ sở, 2.330 làng có nhà văn hóa; 1.689 tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Thành phố cũng có nhiều sản phẩm văn hóa mới hấp dẫn như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ… Hiện toàn thành phố có khoảng 70 không gian sáng tạo đa lĩnh vực, trong đó có những trung tâm tập trung vào lĩnh vực thiết kế sáng tạo như: Hanoi Design Center, VICAS Arts Studio, VCCA, Manzi art space, Workroomfour… Những chính sách mang tầm nhìn dài hạn, sự đầu tư tích cực ấy đã giúp văn hóa Hà Nội được gìn giữ, phát huy, đời sống văn hóa của người dân được nâng cao. Hà Nội cũng tích cực hội nhập vào dòng chảy văn hóa thế giới.

Tầm nhìn thành phố sáng tạo

Hà Nội đã gìn giữ và khai thác thương hiệu Thành phố vì hòa bình như một điểm đến an toàn, hấp dẫn, giàu truyền thống văn hóa. Sau 20 năm kể từ ngày đón nhận danh hiệu cao quý ấy, thế giới đã có nhiều thay đổi. Công nghiệp văn hóa, sáng tạo văn hóa đang là xu thế phát triển của thời đại. Mạng lưới những thành phố sáng tạo do UNESCO công nhận ra đời từ năm 2004 đã có sự tham gia của 180 thành phố đến từ 72 quốc gia. Các thành phố tham gia mạng lưới đều đặt sáng tạo văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển đô thị bền vững. Chẳng hạn như TP Chiềng Mai (Thái-lan), In-chơn (Hàn Quốc) là thành phố sáng tạo về thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; TP Bắc Kinh, Vũ Hán (Trung Quốc), Bu-đa-pét (Hung-ga-ri) là Thành phố sáng tạo về thiết kế… Một số thành phố khác chọn lựa lĩnh vực phim, nghệ thuật ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông hay âm nhạc… Các điều kiện của Hà Nội phù hợp với tiêu chí để trở thành Thành phố sáng tạo. Điều này được chính Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO Ph.E.Ma-tô-cô thừa nhận: “UNESCO hiểu rằng Hà Nội tự hào về quá khứ của mình, đồng thời vẫn hướng đến tương lai. Chúng tôi tin rằng thành phố có tất cả các điều kiện phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo, bởi vì đây là thành phần chính của văn hóa và Hà Nội có một tâm hồn văn hóa. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục làm việc với thành phố, không chỉ để thúc đẩy và bảo tồn lịch sử, mà còn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới cho một thời đại mới”.

Hà Nội có bề dày văn hóa truyền thống, đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực văn hóa. Song đóng góp vào kinh tế của ngành du lịch văn hóa, công nghiệp sáng tạo hay các ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí chưa tương xứng. Năm 2018, giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm 0,49% GRDP), kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt 192 triệu USD (chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu). Tỷ lệ này còn quá thấp so với nhiều Thành phố sáng tạo trên thế giới. Trở thành Thành phố sáng tạo, với nền tảng chính là công nghiệp văn hóa còn là động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khía cạnh chuyên môn, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) nhận định: “Hà Nội hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành thành phố công nghiệp văn hóa, sáng tạo văn hóa bởi thành phố có những yếu tố về mặt tiêu chuẩn: Kết cấu hạ tầng, sức hấp dẫn, tầng lớp trung lưu, nhu cầu tiêu thụ về văn hóa, các dịch vụ văn hóa và Hà Nội là nơi tiêu biểu hội tụ văn hóa phương Đông và phương Tây. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên triển khai Chiến lược xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa. Người Hà Nội vốn sở hữu khả năng sáng tạo rất lớn, chính sách phù hợp sẽ giúp họ thể hiện năng lực”.

(Còn nữa)