GƯƠNG SÁNG, VIỆC HAY

Thành công bước đầu của start-up trẻ

Được nhiều tập đoàn công nghệ mời làm việc với mức lương cao, nhưng Lê Công Thành (trong ảnh) lại từ chối để theo đuổi con đường nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Thành công bước đầu của start-up trẻ

Lê Công Thành hiện là người sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghệ chọn lọc thông tin (InfoRE) hoạt động về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, một trong 16 start-up trẻ vừa được thành phố Hà Nội vinh danh.

Tốt nghiệp Khoa Toán - Tin Trường đại học Thủy Lợi, Thành sang Pháp theo học thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Năm 2011, bỏ dở chương trình học và nhiều cơ hội việc làm, Thành trở về Việt Nam với suy nghĩ “nơi đây đang cần đến mình”. Mang ước mơ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống trở về nước, Thành cùng bảy người bạn từng là du học sinh thành lập Công ty InfoRE. Ý tưởng đầu tiên được nhóm bạn triển khai là một dự án xã hội phi lợi nhuận “lietsi.com” số hóa toàn bộ thông tin về các liệt sĩ đang nằm tại các nghĩa trang trên cả nước, giúp người nhà liệt sĩ dễ dàng tìm kiếm thông tin. “Việt Nam có hơn 3.000 nghĩa trang với hàng trăm nghìn bia mộ. Điều đó khiến các gia đình liệt sĩ mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ. Chúng tôi đã xây dựng mạng lưới tình nguyện viên thực hiện công việc chụp ảnh các bia mộ trong nghĩa trang, sau đó các thông tin hình ảnh được số hóa và đưa vào kho dữ liệu” - Thành cho biết. Bắt đầu từ năm 2011, đến năm 2015, dự án đã số hóa được 95% số nghĩa trang liệt sĩ ở Việt Nam với thông tin của hơn 750 nghìn ngôi mộ liệt sĩ, giúp nhiều gia đình tìm được mộ người thân.

Năm 2016, Lê Công Thành đoạt giải nhất công nghệ thông tin triển vọng cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2016 với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC). Phần mềm có khả năng tự động thu thập thông tin mới từ các nguồn xuất bản như báo điện tử, trang tin điện tử, blog, diễn đàn. Qua đó thống kê nội dung đề cập đến từng loại đối tượng (nhân vật, thương hiệu, địa danh…) giúp nhận diện sớm các rủi ro, nhất là giúp doanh nghiệp đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời với chi phí thấp hơn rất nhiều so với xử lý khủng hoảng truyền thông. Hiện nay, phần mềm đang được nhiều tập đoàn lớn đã sử dụng như một công cụ giám sát truyền thông thương hiệu. Giải thưởng đã trở thành “bệ phóng” để Lê Công Thành thực hiện ý tưởng đưa trí tuệ nhân tạo vào sâu hơn trong xã hội. Tuy nhiên, để đạt thành quả ấy, Lê Công Thành và các cộng sự đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. “Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng chỉ cần có ý tưởng tốt, có công nghệ tốt là các quỹ đầu tư sẽ bỏ tiền vào. Nhưng hóa ra không phải! Khi đi gặp rất nhiều quỹ đầu tư chúng tôi mới thấy rằng, nếu như muốn nhà đầu tư bỏ vốn, phải trình bày kế hoạch quản trị dự án ít nhất là sáu tháng đến một năm, thuyết phục họ để thấy mình sẽ tiêu khoản tiền đó hiệu quả ra sao và giúp công ty có thể gọi vốn vòng tiếp theo. Trong khi đó, những người làm start-up thường không có kinh nghiệm quản trị dự án, không có kinh nghiệm lên kế hoạch” - Thành chia sẻ. Không chỉ gặp khó khăn trong gọi vốn, công ty từng đứng trước nguy cơ giải tán vì không thể giữ chân được nhiều thành viên trong đội ngũ sáng lập. Song bằng tinh thần quyết tâm, Thành và các cộng sự đã nhanh chóng vực dậy công ty.

Hiện tại công ty của Thành đang thực hiện nhiều dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo nhiều hướng đi khác nhau, điển hình như: Đưa trí tuệ nhân tạo vào dạy học với sản phẩm kính thực tế ảo. Theo đó, chỉ cần đeo kính này, người học có cảm giác như đang ngồi trong lớp học, thầy giáo ngay bên cạnh, dù thực tế thầy có thể đang cách nửa vòng Trái đất. Với hướng đi táo bạo này, học sinh ở những vùng sâu, vùng xa cũng có thể tham gia các lớp học giống như ở thành thị. Ngoài ra, một dự án khác cũng được Thành triển khai là, nhận diện độ hứng thú của học sinh trong lớp học. Các ca-mê-ra được lắp ở lớp học sẽ liên tục chụp hình ảnh ở nhiều góc độ gửi về máy tính. Máy tính sẽ nhận diện độ hứng thú của học sinh qua đó giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Hiện tại, công ty của Lê Công Thành đang thực hiện tổng cộng 15 dự án trí tuệ nhân tạo.

Hiện, Lê Công Thành đã có kế hoạch thành lập nhiều doanh nghiệp start-up vệ tinh, hoạt động trong các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác nhau như: Nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng giọng nói, xử lý dữ liệu tài chính, xử lý dữ liệu y tế, phân tích dữ liệu mạng xã hội, phát triển ca-mê-ra thông minh, mô hình hóa nhu cầu người dùng. Bên cạnh các dự án kinh doanh, doanh nghiệp của Thành cũng xác định sử dụng 10% doanh thu cho việc phát triển các dự án xã hội phi doanh thu, phi lợi nhuận. Thành luôn mong muốn được đóng góp sức trẻ vào sự phát triển của đất nước.