Thân thương xe buýt

Một thời, trên một số tuyến đường ở Hà Nội luôn xuất hiện những chuyến tàu điện leng keng khuya sớm. Theo thời gian, hình ảnh những chiếc tàu điện bánh sắt nặng nề, dần lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho sự lấn lướt của hàng hàng, lớp lớp xe máy, ô-tô nối đuôi nhau.

Cảnh tắc đường diễn ra “như cơm bữa” triền miên suốt bốn mùa. Phố phường chỉ thoáng đãng vào dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày, khi nhiều gia đình về quê hoặc du lịch xa. Bởi phương tiện cá nhân trở nên chiếm ưu thế, nhà nhà sắm xe máy, người người đua nhau mua ô-tô, bảo sao đường sá không ngột ngạt, bức bối? Xe cộ dày đặc dẫn đến phố xá dù liên tục mở mang, cơi nới vẫn quá tải, chật chội. Phương tiện cá nhân lưu thông rầm rập khiến lượng khí thải gia tăng, bầu không khí vẩn đục, ảnh hưởng sức khỏe cư dân.

Trong bối cảnh rối rắm của giao thông đô thị, giải pháp phủ sóng mạng lưới xe buýt được thành phố ưu tiên đầu tư. Được đầu tư về cơ sở hạ tầng, được trợ giá cước, xe buýt công cộng đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua. Từ những chiếc xe cũ kỹ, nhả khói đen mù mịt, hàng trăm chiếc xe được thay “áo mới” đẹp đẽ, tinh tươm, trên xe có cả điều hòa, wifi... tối ngày xuôi ngược khắp ngả. Tính đến nay, toàn thành phố đã có 112 tuyến buýt, bao phủ địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Xe buýt bon bon lưu thông từ khu vực nội đô cho đến những vùng ngoại thành xa xôi, như: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Hương Sơn (Mỹ Đức), lên cả sân bay quốc tế Nội Bài...

Đông đảo viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên, người lao động lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển hằng ngày. Đi xe buýt vừa đỡ nắng mưa, bụi bặm, lại tiết kiệm chi phí. Ngoài đi học, đi làm, nhiều người có thói quen đi “du lịch giá rẻ” bằng xe buýt. Vào dịp cuối tuần hay ngày nghỉ lễ, người ta lên xe buýt, đến những vùng ngoại thành xa xôi để rong chơi, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, lúc trở về không quên xách theo vài sản vật đặc sắc của làng quê.

Với riêng tôi, xe buýt in nhiều dấu ấn kỷ niệm. Lần đầu tôi bước chân lên xe buýt đã cách đây ngót nghét 40 năm. Hồi đó, một hôm được nghỉ học, sau khi chạy nhảy vui chơi chán chê cùng đám bạn trong xóm, chúng tôi rủ nhau bắt xe buýt vào nội đô. Trên chiếc xe đông nghịt, lẫn lộn hành khách với thúng mủng hàng hóa của người đi chợ, ọc ạch vượt quãng đường hơn chục cây số tới điểm đỗ trên phố Lò Sũ, gần hồ Hoàn Kiếm. Xe dừng, lũ bạn vì sợ lạc đường nên không dám rời khỏi xe, mà cứ ngồi lì tại chỗ, để lúc sau xe quay đầu về bến cũ. Còn tôi, lần đầu về thành phố, tuy rụt rè, bỡ ngỡ, nhưng trước sức hút náo nhiệt của phố phường lạ lẫm nên mạnh dạn xuống xe, đi dạo loanh quanh cách bến đỗ không xa, chờ lên chuyến xe kế tiếp để về nhà. Rồi sau này, từ lúc nào đó, xe buýt trở thành người bạn thân thiện mỗi ngày...

Hình ảnh những chuyến xe buýt miệt mài chở khách giờ đây thân thương hơn trong lòng người dân thành phố. Những chiếc xe mới tinh mầu xanh dương gần gũi với thiên nhiên, lái xe, nhân viên bán vé mặc đồng phục chỉnh tề để lại nhiều thiện cảm. Tuy vậy, mong muốn xe buýt tiếp tục hấp dẫn hơn với đông đảo người dân thành phố đòi hỏi nhiều nỗ lực thời gian tới. Vẫn còn đâu đó xe cũ, hỏng hóc gây nguy hiểm trên đường; nhiều lộ trình, luồng tuyến chưa thật sự hợp lý; điểm dừng chờ không mái che; thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, phụ xe đôi lúc thiếu nhã nhặn...

Hy vọng những nhược điểm ấy nhanh chóng được khắc phục để xe buýt Thủ đô trở thành phần tất yếu trong bức tranh giao thông đô thị.