Thân thương cánh đồng

Đồng quê ngoại thành tháng mười một phủ sương. Cánh đồng đã qua mùa gặt, chuẩn bị vào vụ đông. Đi qua cánh đồng thuở thiếu thời năm nào, lòng dâng lên cảm giác vừa bâng khuâng vừa thấy thương. Bâng khuâng là khung trời cũ còn đây. Con sông quê bắt nước từ sông Nhuệ, nơi cha mẹ, họ hàng, nhiều người dân quê tôi vẫn sống ở nơi này. Nhưng thương là vì rất nhiều thứ đã bị nhạt phai. Ngoài đồng không còn thấy cảnh hối hả như xưa. Máy móc đã thay phần nhiều công việc của con người. Những người nông dân chăm chỉ, hoạt bát mà tôi biết nay đã già, mắt mờ chân chậm. Bố mẹ tôi cũng đã già. Dù họ cố gắng làm công việc của ngày xưa thì cũng

Đứng từ xa nhìn thấp thoáng ra cánh đồng, thấy xen lẫn những ô ruộng đã gặt xong là những ô bỏ cỏ. Những ô ruộng đó không được gieo cấy. Người ta đã bỏ rơi bờ xôi ruộng mật. Dân làng không đủ sức căng mình làm tất thẩy, khi chỉ còn người già. Thanh niên, người trẻ đã tụ về thành phố. Đành phụ công ruộng nương thuở nào đã nuôi dưỡng ước mơ. Cũng bởi bám ruộng thì nghèo. Bố mẹ ngày xưa vẫn động viên con cái phải cố gắng học, để thoát khỏi cảnh làm ruộng, gánh nước tưới tắm mỏi mòn. Thay vì trao truyền cho con cái tình yêu đất đai, cây cối, thì các ông bố bà mẹ thắp cho con ước mơ thoát ly, xa lánh ruộng đồng, cây cỏ. Ngay như anh trai tôi, cha mẹ, ruộng nương nuôi nấng, đưa chân anh vào giảng đường đại học. Sau bốn năm cật lực, xoay xở mãi chẳng xin được việc, anh làm tạm công việc ở một quán bia hơi.

Bố mẹ xót con, tiếc công anh học, xui con về ngoại thành làm ruộng, nghĩ cách lập trang trại. Nghe lời bố, anh về nghiên cứu, tìm cách làm nông, song không biết bắt đầu từ đâu. Bố tôi không thể giữ chân anh lại để làm đồng theo cái cách sản xuất ngày xưa. Anh trai tôi lại trở ra phố thị xin làm công nhân.

Nhiều vùng ngoại thành Hà Nội đã đô thị hóa, công nghiệp cũng tràn về. Người dân chạy chợ, mở nhà hàng, quán ăn, quán ka-ra-ô-kê… và trở nên giàu có. Cũng khó tránh khỏi đôi mắt khinh khi với người ra đi, mang ước mơ cao xa rồi lại quay về. Tôi may mắn kiếm được việc, thoát cảnh làm ruộng đúng như ước mong của bố mẹ, nhưng lòng ngậm ngùi tiếc những ô ruộng bỏ hoang cạnh sông quê. Chúng trở thành ruộng hoang khi mồ hôi người không còn nhỏ xuống đó.

Sau những ngày thư thái tìm ký ức làng quê tôi trở về trung tâm làm việc. Những người thoát ly ruộng đồng, làm việc, sống ở nội thành đang tận dụng từng ô đất nhỏ để trồng rau. Nhiều người mua những thùng xốp, trồng các loại rau, mong có được những bữa ăn an toàn. Rau trồng ở ban-công, tầng tum, gầm cầu thang, gầm giường. Đó là sự kỳ vọng vào cách trồng rau thủ công, như là cách mua lấy sự an tâm. Rồi tôi lại thấy nhiều gia đình có điều kiện, tìm về ngoại thành thuê đất trồng rau, thuê cả người trồng, cuối tuần đánh xe về thu hái. Đó phải chăng còn là cách quay về đồng, về quê một thời thân thuộc?

Tôi đứng cạnh ngôi vườn trên nóc nhà của người hàng xóm mà lòng dạ xốn xang, bồi hồi. Giá mà, có thể chuyển được một ô đất ở ngoại thành ra nơi này. Giá mà tôi có thể làm gì đó để không còn những ô đất bỏ hoang trên cánh đồng nhiều nắng và cảm xúc ấy. Ở thời nào con người cũng cần đất đai, dựa vào đất đai. Ruộng nương bị bỏ hoang, chính là lỗi con người đã không biết cách làm cho đất đai cất lời, mọc lên mùa màng bội thu. Ở thời nào hẳn mỗi người cũng cần học cách để gieo mầm, vun xới, chăm cây và chờ hái quả, phải không đồng quê?