Tập trung xây mới, mở rộng trường lớp học

Để chuẩn bị cho gần hai triệu học sinh bước vào năm học mới 2018 - 2019, TP Hà Nội ưu tiên các nguồn lực để mở rộng, xây mới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục cả ở khu vực nội thành lẫn ngoại thành.

Học sinh Trường THPT Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong giờ học Tin học.
Học sinh Trường THPT Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong giờ học Tin học.

Nhiều năm nay, người dân phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội) mong ước có được ngôi trường khang trang cho con em trong phường học tập, sinh hoạt, bởi Trường THCS Tứ Liên được thành lập từ năm 1959, phải học nhờ trong khuôn viên đình Nội Châu, sau đó, năm 1992, Trường tiểu học Tứ Liên được thành lập, cũng học tại đây. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, cơ sở vật chất chật chội, không có cảnh quan sư phạm, không có sân chơi... cho nên có năm học, hai trường này chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu học sinh, đồng thời với đó là sự thua thiệt trong các hoạt động giáo dục so với các trường bạn dù thầy và trò nhà trường đều rất nỗ lực.

Năm học 2018 - 2019, tin vui đến với thầy và trò Trường tiểu học, Trường THCS Tứ Liên. Ngày 17-8 vừa qua, hai ngôi trường này chính thức được khởi công xây dựng với kinh phí hơn 90 tỷ đồng, không kể chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng; khi hoàn thành sẽ đáp ứng chỗ học của 1.700 học sinh. Được biết, để thực hiện được mục tiêu này, UBND quận Tây Hồ đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch, cống hóa mương nước, nhất là giải phóng mặt bằng với số lượng hộ dân rất lớn. Với việc xây mới hai ngôi trường này, quận Tây Hồ đã hoàn thành xong việc xóa phòng học tạm trên địa bàn.

Áp lực lớn về tăng dân số cơ học trên địa bàn thành phố đã dẫn đến tình trạng quá tải các trường học, nhất là khu vực các quận ven đô có tốc độ đô thị hóa cao. Tại quận Hà Đông, nơi tập trung rất nhiều khu đô thị mới, năm nay số học sinh của quận lên tới 88 nghìn em, tăng hơn 7.000 em so với năm trước. Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, quận luôn dành nguồn đầu tư lớn cho việc xây dựng trường học. Năm 2018, quận thành lập mới 17 trường, trong đó có năm trường công lập. Một số trường học trong các quận nội thành khác cũng phải đối mặt với tình trạng sĩ số học sinh lên tới 60 em/lớp, trong khi quy định sĩ số học sinh từ 35 đến 40 học sinh/lớp. Trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết: Số học sinh vào lớp 1 năm nay của quận là 6.900 em, tăng 1.700 em so với năm học trước. Hầu hết các trường đều có sĩ số học sinh/lớp ở mức trung bình là 55 em, một số trường tiểu học có sĩ số hơn 60 em/lớp như: Dịch Vọng A, Dịch Vọng B, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô... Theo ông Phạm Ngọc Anh, hầu hết số học sinh tăng thêm ở diện KT3, đăng ký tạm trú ở quận. Nhiều em đăng ký tạm trú sau thời điểm điều tra dữ liệu học sinh, cho nên không có trong danh sách, song chủ trương của ngành là tạo điều kiện để mọi học sinh cư trú trên địa bàn đều có chỗ học. Các trường thuộc quận đã bổ sung hơn 30 phòng học để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; đồng thời, tăng biên chế giáo viên theo định mức tối đa là 1,5 giáo viên/lớp để bảo đảm chất lượng dạy học.

Tình trạng tương tự diễn ra tại quận Hoàng Mai. Với mức tăng bình quân mỗi năm từ 6.000 đến 8.000 học sinh, trong khi việc xây dựng các dự án khu đô thị nơi đây chưa đồng bộ với việc xây dựng trường học công lập, khiến cho việc tìm nơi học tập cho học sinh khá chật vật, nhất là tại các phường: Hoàng Liệt, Đại Kim, Định Công... Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết, năm 2018, quận đã điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030. Trong giai đoạn 2018 - 2020, quận sẽ xây mới thêm 13 trường cho các cấp học. Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND quận giao chỉ tiêu tuyển sinh tăng so với điều lệ nhà trường, nhưng vẫn bảo đảm số mét vuông/học sinh và số giáo viên/lớp.

Năm học 2017 - 2018, Hà Nội dành 19 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm tỷ lệ 25,5% mức chi từ ngân sách, xây mới và thành lập mới 70 trường; cải tạo, sửa chữa 387 trường học các cấp; với 2.450 phòng học được xây mới và 2.552 phòng học được cải tạo, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học của thành phố đến năm 2030. Trong đó, Sở đề xuất đến năm 2030, toàn thành phố cải tạo và xây mới 1.557 trường học, gồm xây mới 1.275 trường, cải tạo 282 trường. Vốn đầu tư cho việc cải tạo, xây mới dự kiến lên tới 74 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư 65,6 nghìn tỷ đồng cho 1.389 trường công lập; đầu tư 8,4 nghìn tỷ đồng cho 168 trường ngoài công lập, nhằm khắc phục tình trạng quá tải của các trường học.