Tập trung xây dựng mỗi xã một sản phẩm

Dù triển khai muộn hơn so với các tỉnh, thành phố khác, nhưng Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm đạt tiêu chí của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là chương trình hoạt động với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương.
Du khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh: MINH HÀ
Du khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh: MINH HÀ

Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02 của Thành ủy mới đây, thành phố Hà Nội đã khai mạc Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô. Hàng loạt các sản phẩm tiêu biểu, nổi tiếng của nông nghiệp Hà Nội như bưởi Diễn, lụa Vạn Phúc, ổi Đông Dư, cốm làng Vòng, gốm Bát Tràng... nằm trong chương trình OCOP đã được giới thiệu đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 7.200 sản phẩm nông nghiệp, tương thích với sáu nhóm ngành hàng Chương trình OCOP, bao gồm: 2.881 sản phẩm thực phẩm; 2.417 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí; 1.396 sản phẩm vải và may mặc... Làng nghề và nông sản phong phú, đa dạng chính là lợi thế để Hà Nội triển khai chương trình OCOP.

Tháng 7-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2019 - 2020 với tổng kinh phí thực hiện là 265 tỷ đồng. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dù triển khai muộn hơn so với các tỉnh, thành phố khác, nhưng Hà Nội phấn đấu phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm đạt các tiêu chí của OCOP. Trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, 100 sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định. Đồng thời, triển khai thực hiện hai mô hình làng nghề gắn với du lịch tại làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Hà Nội còn nâng cấp phần mềm Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố (hn.check.net.vn), trang điện tử nongthonmoihanoi.gov.vn để phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP Hà Nội.

Trước mắt, Chương trình OCOP của Hà Nội tập trung vào các nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, đồ lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn. Thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mỗi xã một sản phẩm đến năm 2020, triển khai đồng bộ các giải pháp như bình chọn, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP với các mức “3 sao” (phục vụ thị trường trong nước); “4 sao” và “5 sao” (Có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu). Từ cơ sở đó sẽ hỗ trợ các nhóm hàng nông sản xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm; tổ chức kết nối giao thương; tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ và các hộ dân tham gia chương trình. Chương trình sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức tham gia đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất; thiết kế nhãn hiệu và đăng ký nhãn hiệu; tiếp cận nguồn vốn, thuê chuyên gia tư vấn; liên kết, tiêu thụ sản phẩm...

Hiện trên cả nước đã có 43 tỉnh, thành phố được phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Trong đó có nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Cạn, Quảng Nam, Lào Cai… đạt kết quả tích cực. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh đánh giá, Chương trình OCOP là cơ hội cho các làng nghề tiếp cận với các chuyên gia, nhà khoa học; tiếp cận với công nghệ, thiết bị tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất, giúp sản phẩm làng nghề được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao giá trị.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển các sản phẩm nổi bật của từng địa phương, ông Hiroshi Murayama, Giáo sư Trường đại học Ritsumeikan Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội chính sách OVOP quốc tế cho biết, để thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm thì cần tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo của từng chủ hộ, cơ sở sản xuất để có những sản phẩm thật sự có chất lượng. Đồng thời, cần một phương thức quảng bá bài bản, giữ gìn thương hiệu để sản phẩm được chấp nhận rộng rãi, nhưng vẫn mang đặc trưng hương vị, nét văn hóa từng vùng miền.

Trong tháng 10, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) sẽ tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP vào chuỗi bán lẻ của Tập đoàn Aeon Việt Nam. Dự kiến, sẽ có gần 100 gian hàng của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia. Hội chợ sẽ giới thiệu tới hệ thống Aeon và người tiêu dùng những sản phẩm OCOP nổi bật của nông nghiệp Hà Nội như bưởi Diễn, chuối tiêu hồng Vân Nam, cam Canh, măng tây Hồng Thái, gà đồi Ba Vì, đà điểu Ba Vì, vịt cỏ Vân Đình, gạo Tam Hưng... Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương cho biết, thông qua hội chợ, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp sản phẩm OCOP nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếp cận trực tiếp hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước, từ đó tìm kiếm cơ hội đưa các sản phẩm OCOP có chất lượng vào kênh phân phối tại thị trường nước ngoài.