Tạo vẻ đẹp mới cho cây xanh

Hà Nội đã sớm hoàn thành chương trình trồng mới một triệu cây xanh trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong giai đoạn này, thành phố chú trọng bổ sung một số loài cây mới trồng tại khu vực nội đô, chú trọng tạo hệ thống cây đa tầng tán, để tạo thêm vẻ đẹp cho cây xanh. Ðồng thời, tăng cường cắt, tỉa để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa, bão. Tuy nhiên, để giữ gìn vẻ đẹp của cây xanh Hà Nội, cần có sự hợp tác của các cơ quan và người dân.

Hoa muồng hoàng yến nở rộ, khoe sắc vàng bên hồ Tây. Ảnh: Hoàng Mạnh
Hoa muồng hoàng yến nở rộ, khoe sắc vàng bên hồ Tây. Ảnh: Hoàng Mạnh

Hà Nội đang trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Nhưng không khí nóng bức phần nào dịu đi khi các tuyến phố ngày càng nhiều cây xanh tỏa bóng râm mát. Những năm gần đây, cây xanh Hà Nội có thêm nhiều nét mới. Khi đường Láng, đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở được mở rộng, thành phố đã trồng thêm tới 1.100 cây thân gỗ cho bóng mát. Chỉ sau một thời gian, hàng cây đã xanh um. Hè này, lần đầu những cây phượng tím trổ bông. Cây phượng tím có lá mầu xanh mướt, nhìn xa gần giống cây phượng vĩ, nhưng hoa trổ thành chùm, mỗi bông hoa trông giống một quả chuông nhỏ. Sắc tím nhạt của giống phượng mới "định cư" tại Hà Nội tạo nên vẻ lãng mạn mới ở đường Láng. Ðoạn đường ven sông Tô Lịch này vốn lộn xộn, giờ trở thành "phim trường" chụp ảnh của giới trẻ.

Cũng trong những ngày này, muồng hoàng yến đã "nhuộm" vàng nhiều tuyến phố, nhất là khu vực chung quanh hồ Tây và một số tuyến đường mới trên địa bàn các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm... Muồng hoàng yến nở thành chuỗi, mầu sắc rực rỡ khiến các con phố trở nên nổi bật. Trên đường Nguyễn Ðình Thi, sau khi cùng một nhóm bạn chụp ảnh muồng hoàng yến, bạn Lê Thu Minh chia sẻ: "Không gian hồ Tây vốn đã rất đẹp, giờ có thêm hàng muồng hoàng yến này, cho nên em và các bạn rất thích đến ngắm cảnh và chụp hình kỷ niệm". Còn tại các tuyến phố như: Khâm Thiên, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Yên Lãng, Hoàng Cầu, Nguyễn Lương Bằng, đường Yên Phụ…, mấy năm trước, người dân còn thắc mắc về một loài cây lạ, lá nhỏ nhưng phân ra nhiều tán mọc rất đều và xanh tốt quanh năm, thì bây giờ, mọi người đã quen với giống cây ấy và gọi là bàng lá nhỏ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội Nguyễn Ðức Mạnh cho biết: "Trong những năm gần đây, để tạo sự phong phú cho mầu xanh của thành phố, bên cạnh việc tiếp tục bổ sung những cây đặc trưng của Hà Nội như sấu, bằng lăng, phượng, sao đen…, UBND thành phố Hà Nội giao Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội trồng mới một số loại cây có nguồn gốc nước ngoài, hoặc đưa về từ các địa phương khác. Ngoài phượng tím, muồng hoàng yến, bàng lá nhỏ, còn phải kể đến cây sang, hoa ban, cọ dầu, phong… Phần lớn các loại cây đều thích nghi tốt, nhiều loại có hoa, góp phần làm đẹp thêm các con phố". Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã trồng được 1,53 triệu cây xanh, vượt xa chỉ tiêu trồng một triệu cây xanh trong giai đoạn 2016 - 2020. Song vấn đề không chỉ là con số mà là ở các loại cây được chọn lựa, tổ chức thành những không gian xanh, khiến các con phố ngày một đẹp hơn, nhất là trồng cây đa tầng tán tại các tuyến đường: Võ Chí Công, Kim Mã, Giảng Võ, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Diệu…

Tuy nhiên, khi cây xanh đô thị càng phát triển, thì nguy cơ gãy đổ ngày càng cao hơn khi mùa mưa, bão về. "Ðẹp nhưng phải an toàn", đó là chủ trương thành phố quán triệt đối với các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc cây xanh của thành phố. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết: "Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống cây bóng mát, lập kế hoạch, triển khai cắt tỉa ngay những cây có nguy cơ gãy đổ cao như cây chết, cây bị nghiêng nguy hiểm, cây nặng tán, mục gốc, mục thân, nổi rễ; cắt, tỉa làm thấp tán, cắt, tỉa vén tán, nâng cao vòm lá, khống chế chiều cao cây bóng mát; thực hiện gia cố cọc chống đối với các cây mới trồng". Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội đã cắt, tỉa được hơn 20 nghìn cây bóng mát các loại. Phấn đấu trong năm 2020 cắt, tỉa, hạ độ cao hợp lý cho khoảng 40 nghìn đến 50 nghìn cây. Ðến thời điểm này, các huyện, thị xã cũng đã hoàn thành cắt, tỉa hơn 20 nghìn cây. Nhiều phương tiện cắt, tỉa hiện đại, được trang bị như xe nâng, xe ép rác, máy nghiền (nghiền lá và cành nhỏ làm phân bón)… cho nên hạn chế đến mức thấp nhất việc gây ách tắc giao thông, bảo đảm an toàn cho công nhân thi công.

Đối với cây xanh trong các cơ quan, trường học, Sở Xây dựng có công văn khuyến cáo các đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, phối hợp cắt, tỉa, chặt hạ với những cây có nguy cơ gãy đổ. Trong mùa mưa, bão năm nay, Sở Xây dựng đã xây dựng phương án ứng phó với trường hợp số cây đổ lên tới 1.000 cây để sẵn sàng khắc phục. Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Nguyễn Ðức Mạnh chia sẻ: "Hà Nội trồng nhiều loại hoa ở các dải phân cách để tạo thêm vẻ đẹp nhưng thực tế, không ít người dân thiếu ý thức đào trộm hoa. Chúng tôi mong rằng chính quyền, các cơ quan tuyên truyền tốt hơn để người dân nâng cao ý thức bảo vệ mầu xanh thành phố".