Tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục hộ tịch

Sau ba năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch, công tác hộ tịch trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng đi vào nền nếp, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân. Tuy nhiên, thành phố cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc vì một số quy định hiện hành chưa bắt kịp cuộc sống, cũng như thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch, xác nhận tình trạng hôn nhân...

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, Luật Hộ tịch đã được TP Hà Nội triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Những quy định mới của luật như rút ngắn thời gian giải quyết đối với hầu hết các công việc, có thể lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch mà không phụ thuộc vào nơi cư trú, cấp số định danh cá nhân ngay từ khi đăng ký khai sinh đã được cán bộ hộ tịch các cấp triển khai nghiêm túc và được người dân ghi nhận. Chỉ tính riêng chín tháng đầu năm 2018, thành phố đã giải quyết hơn 260 nghìn hồ sơ hộ tịch (trong đó có 90 nghìn trường hợp khai sinh, 25 nghìn trường hợp khai tử, 30 nghìn trường hợp đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân cho 70 nghìn trường hợp, trích lục hộ tịch cho 50 nghìn hồ sơ). Nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của công tác đăng ký hộ tịch ngày càng được nâng cao. Tình trạng “sinh không khai, tử không báo” đã giảm, phần lớn người dân tự giác đi đăng ký các sự việc theo đúng thời gian quy định.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thanh Cao, điểm nổi bật trong quá trình triển khai Luật Hộ tịch trên địa bàn là thành phố đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch. Đến nay, 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh. Qua đó, bảo đảm thi hành một cách đồng bộ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, giúp các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh có thể theo dõi được toàn bộ quá trình thực thi của các cơ quan trực tiếp thực hiện, có thể tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi. Cùng với đó, từ ngày 1-8-2018, thành phố cũng đã triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch tại 17 đơn vị quận, huyện. Thành phố đang từng bước số hóa toàn bộ sổ hộ tịch với dữ liệu của hơn 7,3 triệu người dân. Hiện ba đơn vị đã số hóa sổ hộ tịch gồm các quận: Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm và Long Biên, các đơn vị còn lại đang tiến hành rà soát để chuẩn bị số hóa.

Việc khai thác, sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã mang lại những hiệu quả thiết thực, cụ thể trong công tác cải cách hành chính như giảm thao tác, rút ngắn thời gian tra cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời giảm chi phí đi lại của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch.

Bên cạnh đó, công tác đăng ký hộ tịch trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung nhận xét: Việc chuyển đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài về UBND cấp quận, huyện là một trong những quy định mới của Luật Hộ tịch, thể hiện bước tiến rõ nét trong cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu của người dân. Ba năm qua, quận Ba Đình đã giải quyết 103 hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cơ bản đúng trình tự, được người dân hài lòng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng phát sinh vướng mắc khiến cán bộ cơ sở gặp khó khăn, lúng túng, như các công dân đến ở nhiều nước khác nhau, các quy định về pháp luật của mỗi nước cũng khác nhau, cho nên phải có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, một số giấy tờ xác minh bên thứ ba có yếu tố nước ngoài còn chậm.

Mặt khác, việc chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch cũng khiến việc xác minh các sự kiện hộ tịch của công dân thời gian trước đây gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác nhận tình trạng hôn nhân. Trên thực tế tại Hà Nội, hiện vẫn tồn tại hình thức hộ khẩu tập thể của công dân đang đóng quân, lực lượng vũ trang tập trung. Theo quy định của ngành này, công dân phải sinh hoạt tập trung và cơ quan, đơn vị quản lý về quân số, tình trạng hôn nhân và thẩm tra về lý lịch khi công dân kết hôn. Trong khi đó, một số công dân chưa xóa hộ khẩu tại nơi thường trú trước đây, dẫn đến song song có cả hộ khẩu dân sự và hộ khẩu tập thể. Những người này khi tham gia các giao dịch hành chính gặp không ít vướng mắc.

Đểphát huy hơn nữa hiệu quả thi hành pháp luật về hộ tịch, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan của Luật Hộ tịch và những văn bản hướng dẫn thi hành bởi các thủ tục hộ tịch luôn phát sinh những tình huống hết sức đa dạng, phức tạp.