Tạo sức bật để Thường Tín vươn lên

Nằm ở cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận lợi, trên địa bàn có 48 làng nghề và một số khu công nghiệp lớn, song huyện Thường Tín đang có nguy cơ trở thành "vùng trũng" của Thủ đô do chưa tận dụng được các tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Chăm sóc rau mầm tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyệnThường Tín).
Chăm sóc rau mầm tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyệnThường Tín).

Sáu tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội Thủ đô bị tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, mặc dù kinh tế - xã hội của huyện Thường Tín phát triển toàn diện, nhưng phần lớn các chỉ tiêu đều bị suy giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 8.155 tỷ đồng, đạt 43,8% kế hoạch năm và giảm 8,6%; tổng giá trị thương mại - dịch vụ ước đạt 6.072 tỷ đồng, đạt 50,2% kế hoạch năm và giảm 7,5%; tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện gần 259 tỷ đồng, đạt 33,26% dự toán thành phố giao và bằng 47,70% so với cùng kỳ năm 2019.

Thường Tín là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Nằm ở cửa ngõ phía nam vào trung tâm Thủ đô, đất đai màu mỡ để phát triển nông nghiệp, rất thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy. Huyện có nhiều di tích, địa danh lịch sử nổi tiếng, vùng đất khoa bản, kết hợp với các làng nghề truyền thống có thể phát triển du lịch tâm linh, du lịch làng nghề. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy đã bám sát chỉ đạo của thành phố, triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện đạt kết quả khá toàn diện. Toàn bộ 28 xã của huyện hiện đã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đang đề xuất được công nhận là huyện nông thôn mới trong năm nay. Tuy nhiên, so với những lợi thế và sự kỳ vọng, thì sự phát triển của huyện trong thời gian qua chưa tương xứng quy mô kinh tế của huyện còn nhỏ, thu nhập bình quân còn thấp.

Thừa nhận trong quá trình phát triển của thành phố thời gian qua có biểu hiện mất cân đối giữa các khu vực, thực trạng đó một phần có trách nhiệm của thành phố, tuy nhiên, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội vẫn băn khoăn về tình trạng "bình bình" của huyện Thường Tín, với nguy cơ thành "vùng trũng" của Thủ đô. Theo đồng chí Vương Ðình Huệ, thu ngân sách không tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương xứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Huyện cũng chưa khai thác tốt nguồn lực đất đai. Sáu tháng đầu năm 2020, ngoài nông nghiệp, các lĩnh vực kinh tế khác đều giảm. Tốc độ đô thị hóa của huyện mới đạt 2,8% (trong khi cả Thủ đô là hơn 50%), là con số quá thấp so với vị trí của một huyện cửa ngõ.

Bí thư Thành ủy lưu ý huyện Thường Tín phải nhận thức rõ những hạn chế này để mạnh dạn bứt phá, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá và giải pháp trong nhiệm kỳ tới. Huyện cần quán triệt phương châm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu; phân tích đầy đủ tiềm năng, lợi thế; chủ động, năng động, sáng tạo để tận dụng sự hỗ trợ của thành phố và các sở, ngành…

Về nhiệm vụ 5 năm tới, Bí thư Thành ủy gợi ý, trọng tâm là phải hoàn thiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển huyện Thường Tín, cùng với các ngành chức năng của thành phố xây dựng khu vực phát triển liên huyện. Về quy hoạch, sẽ mở rộng quốc lộ 1A cũ và nghiên cứu các đường gom, tận dụng các đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để làm trục phát triển đô thị. Quy hoạch phát triển Phú Xuyên - Thường Tín phải được định hướng là trục chính của cửa ngõ phía nam Thủ đô. "Huyện Thường Tín cần phải nghiên cứu tầm nhìn và tham mưu cho lãnh đạo thành phố nghiên cứu phát triển cực nam để phát triển tương xứng với tiềm năng", đồng chí Vương Ðình Huệ nhấn mạnh.

Lưu ý huyện cần nghiên cứu để có đột phá hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để khai thác tối đa tiềm năng, đồng chí đề nghị Thường Tín xây dựng chương trình phát triển cụm công nghiệp, làng nghề, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp. Huyện cần phát huy thế mạnh "đất danh hương, huyện Anh hùng" tạo đột phá từ nền tảng văn hóa, lịch sử kết hợp với phát triển du lịch làng nghề; có chương trình phát triển đô thị, nghiên cứu kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Ðồng chí khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho Thường Tín và các huyện phía nam của thành phố. Trước mắt từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ cho huyện các công trình dân sinh, nước sạch và vệ sinh môi trường, cũng như một số dự án có tính chất tạo động lực cho huyện và vùng khu vực phía nam Thủ đô.

Mai Thanh