Tạo môi trường cho tuổi trẻ rèn luyện, trưởng thành

Mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội đã gặp mặt, đối thoại với đại diện thanh, thiếu niên Thủ đô để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của lớp trẻ. Ðồng thời, đưa ra các giải pháp, định hướng để phong trào thanh, thiếu nhi thành phố ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho những thành tựu chung của Thủ đô và đất nước.

Ðoàn viên, thanh niên vẽ bích họa làm đẹp thêm các bốt điện của Thủ đô.
Ðoàn viên, thanh niên vẽ bích họa làm đẹp thêm các bốt điện của Thủ đô.

Thanh niên là lực lượng tiên phong

Lực lượng thanh, thiếu niên Thủ đô luôn nổi bật và là hạt nhân trong các phong trào của thanh, thiếu niên cả nước. Trên mọi lĩnh vực, từ học tập, lao động và hoạt động chung vì xã hội, nơi đâu cũng thấy tinh thần cống hiến, sáng tạo và sự đóng góp tích cực của thanh, thiếu niên Thủ đô. Càng ngày, phong trào Ðoàn các cấp trên địa bàn càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết, năm 2018, Thành Ðoàn đã thành lập được 846 đội hình tuyên truyền, giữ gìn vệ sinh môi trường; 215 đội phản ứng nhanh về giao thông; 156 lớp tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hơn 10.500 thanh niên nông thôn. Các cơ sở đoàn tiếp tục duy trì chăm sóc 120 công trình thanh niên "Biến điểm tập kết rác thành vườn hoa thanh niên"; xây dựng được 145 "con đường bích họa"... Các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng được triển khai hiệu quả như: tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho hơn 30 nghìn thanh, thiếu nhi và người dân có hoàn cảnh khó khăn, triển khai Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè và chương trình tiếp sức mùa thi với sự tham gia của gần 2.000 đoàn viên, thanh niên…

Bên cạnh những việc làm được, thế hệ thanh, thiếu niên Thủ đô hiện nay cũng còn nhiều tâm tư, mong mỏi về cơ chế chính sách, công tác khởi nghiệp, định hướng phát triển... cho thế hệ mình. Thủ khoa Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Nguyễn Mai Anh mong muốn, thành phố tiếp tục hoàn thiện những cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng tài năng trẻ, các thủ khoa, sinh viên xuất sắc trong xây dựng Thủ đô. Thời gian qua, thành phố đã "trải thảm đỏ" trong việc thu hút, tuyển dụng sinh viên xuất sắc vào những vị trí trong các cơ quan của thành phố làm việc. Thế nhưng, sau một thời gian, nhiều người không thể tiếp tục yên tâm công tác, do chế độ đãi ngộ và khả năng phát triển còn không ít bất cập. Nhiều bạn trẻ khác cũng mong muốn được tham gia đầu tư phát triển các dự án xây dựng không gian khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái, môi trường ươm tạo, làm việc, nghiên cứu. Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Nguyễn Phúc Long kiến nghị, nếu các doanh nghiệp trẻ xây dựng và đệ trình đề án về thành phố khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ, mong thành phố sẽ có chủ trương tạo điều kiện (như về quy hoạch xây dựng, thủ tục đầu tư, các hỗ trợ chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư…) cho dự án này. Bí thư Ðoàn Thanh niên Công ty cổ phần Công nghệ T-Tech Việt Nam Nguyễn Thị Thanh kiến nghị, thành phố có các giải pháp, cơ chế giúp công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, như quan tâm đầu tư xây dựng trường học, nhà ở xã hội...

Tiếp tục hỗ trợ thanh niên phát triển

Trả lời về một số vấn đề mà các đoàn viên, thanh thiếu niên quan tâm, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Ðức Bảo cho biết, nhiều thủ khoa, sinh viên xuất sắc sau khi được tuyển dụng thẳng vào các cơ quan của thành phố đã phát huy năng lực, hiệu quả trong công tác, được đề bạt, bổ nhiệm. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn, sau một thời gian công tác đã xin thôi việc vì lý do thu nhập thấp. Về vấn đề này, thành phố rất quan tâm và đang tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế, làm sao vừa thu hút hiệu quả, vừa giữ được người tài. Về vấn đề khởi nghiệp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Văn Ðức cho biết, hiện thành phố đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp thiết thực như hỗ trợ toàn bộ chi phí đăng ký kinh doanh qua mạng, chi phí công bố thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ con dấu và gửi kết quả đăng ký kinh doanh về tận nhà. Trong kỳ họp HÐND sắp tới, thành phố dự kiến sẽ trình xem xét, quyết định thêm một số chính sách cụ thể khác để khuyến khích hoạt động khởi nghiệp mạnh mẽ hơn nữa. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, Sở đang phối hợp Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát các quỹ đất để xây nhà ở, trường học cho các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trước mắt, từ nay đến năm 2020 sẽ triển khai xây dựng hai khu nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp Quang Minh 1, Quang Minh 2. Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố thiết kế mẫu nhà ở với giá thành dự kiến từ 250 đến 500 triệu đồng/căn hộ để phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của các công nhân trẻ.

Ðể tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng đoàn viên, thanh, thiếu niên phát triển và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển Thủ đô, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, tất cả các cấp bộ Ðoàn thành phố phải triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đoàn viên, thanh, thiếu niên. Ðồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về cả nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức Ðoàn theo hướng sâu sắc, thiết thực, hiệu quả, thu hút lực lượng thanh, thiếu niên tham gia tích cực. Các tổ chức Ðoàn cần phối hợp các cấp, các ngành của thành phố trong việc tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ thanh niên vay vốn làm kinh tế, nhất là thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn.

"Các cấp ủy Ðảng, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lớp trẻ rèn luyện, cống hiến. Ðồng thời, sẽ luôn lắng nghe, coi trọng ý kiến, kiến nghị của đoàn viên thanh, thiếu niên, mạnh dạn trao cho lớp trẻ những nhiệm vụ quan trọng, nặng nề hơn để phát huy mạnh mẽ sức mạnh, sự nhiệt huyết và trí tuệ của thế hệ tương lai trong xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước" - đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.