Tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), đưa KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại doanh nghiệp tư nhân Phương Nam (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất). Ảnh: ÐĂNG ANH
Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại doanh nghiệp tư nhân Phương Nam (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất). Ảnh: ÐĂNG ANH

Cộng đồng kinh tế tư nhân trên địa bàn Thủ đô hiện có hơn 255 nghìn doanh nghiệp (DN), tạo ra 67% lao động việc làm; chiếm 40,9% nguồn vốn huy động sản xuất kinh doanh và 44,8% về doanh thu; đóng góp 30% vào nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có khoảng 1.570 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, tổng doanh thu đạt 4.791,72 tỷ đồng/năm.

Ðể tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân, hai năm qua, thành phố Hà Nội đã tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ để đổi mới và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; rà soát, rút gọn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Ðồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và công tác thông tin, truyền thông theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả. Nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, PAPI. Thành phố hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đi vào thực chất hơn nữa, phát triển DN cả về số lượng và chất lượng. Ðẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế…

Bước đột phá và cũng là minh chứng Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng với DN, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội từ môi trường đầu tư minh bạch là các cấp, ngành trên địa bàn Thủ đô đều nghiêm túc quán triệt chỉ đạo, điều hành theo phương châm 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả", "Một việc - một đầu mối xuyên suốt"; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư. Thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ HTX nâng cao năng lực quản trị, vốn tín dụng, giao đất, cho thuê đất và ký kết hợp đồng đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ưu tiên các HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập và đời sống cho các thành viên. Năm 2019, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực HTX đạt từ 6,5% đến 7,0%/năm. Các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giá trị sản xuất tăng bình quân từ 10% đến 12%/năm, các HTX dịch vụ nông nghiệp tăng từ 2% đến 3%/năm. Các quỹ tín dụng nhân dân, nguồn vốn huy động tăng bình quân từ 10 đến 12%/năm, dư nợ cho vay tăng bình quân từ 8 đến 10% năm, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% tổng dư nợ. Tổng số hợp tác xã cuối năm 2019 dự kiến 1.772 HTX, với tổng doanh thu 4.961 tỷ đồng…

Việc khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới được thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố đẩy mạnh mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đồng thời bảo đảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan trong vòng ba ngày; khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty. Phối hợp Bưu điện Hà Nội để tổ chức trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà và trụ sở. Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, năm 2018 Hà Nội có 25.740 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5%, với số vốn đăng ký 280 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so năm 2017. Năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 238.793 tỷ đồng, tăng 12,3% so năm 2017 và đạt 100,2% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 219.167 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm trước và đạt 101,3% dự toán. Trong số các khoản thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 51.802 tỷ đồng, tăng 16,9% so năm 2017 và đạt 92,1% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 9,9% và đạt 83,9%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 42.000 tỷ đồng, tăng 24,8% và đạt 100% dự toán.

Riêng trong sáu tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 13.690 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 143,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10% về số lượng doanh nghiệp và tăng 1% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Toàn bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được thực hiện qua mạng, bảo đảm chất lượng và đúng hạn. Trong tổng thu nội địa vào NSNN trên địa bàn trong 8 tháng năm 2019, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 36.514 tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16.025 tỷ đồng, tăng 4,4%; thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 34.628 tỷ đồng, tăng 23,7%, mức tăng cao nhất trong ba khu vực về tỷ lệ tăng trưởng và đứng thứ hai về số thu tuyệt đối.

Khu vực KTTN đang và sẽ tạo động lực phát triển kinh tế ngày càng quan trọng và có đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế - xã hội của Hà Nội và cả nước, phù hợp với chủ trương đổi mới và phát triển bình đẳng các thành phần kinh tế của Ðảng và Nhà nước.