Tăng hiệu quả giáo dục di sản

Không chỉ là một điểm tham quan hấp dẫn, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là địa chỉ giáo dục di sản, giáo dục tinh thần khuyến học. Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới đây đưa vào hoạt động Khu trải nghiệm cùng di sản, giúp khách tham quan và học sinh có những trải nghiệm độc đáo mới, qua đó hiểu thêm về văn hóa dân tộc.

Các em học sinh trình bày hiểu biết về bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Các em học sinh trình bày hiểu biết về bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Sau khi tham gia các hoạt động trải nghiệm tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các em học sinh Trường tiểu học Phan Chu Trinh đã có màn biểu diễn ngắn, diễn lại một số câu chuyện thể hiện tài trí của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, cảnh Trạng nguyên vinh quy bái tổ. Các em rất hào hứng khi được tham gia tái hiện câu chuyện về một danh nhân văn hóa của dân tộc, trong khi bình thường, nhiều em rất "ngại" học môn Lịch sử. "Chúng em đã tập tiết mục này trong một tuần. Sau khi trải nghiệm và tập tiết mục về Trạng nguyên Lương Thế Vinh, chúng em nhận thấy rằng, mình phải cố gắng học tập hơn nữa để trở thành người tốt cho đất nước", em Nguyễn Khánh Thi, học sinh Trường tiểu học Phan Chu Trinh chia sẻ.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt. 82 bia tiến sĩ tại đây được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Từ năm 2016, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa "Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới" vào triển khai, biến Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành "trường học về di sản". Triển khai chương trình này, ban tổ chức lấy học sinh làm trung tâm. Các hoạt động giáo dục chú trọng định hướng cho học sinh nhận thức được các giá trị đa dạng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gắn kết lịch sử với đời sống đương đại bằng những phương pháp giáo dục mới, hiện đại. Học sinh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể học nhiều khía cạnh về lịch sử, truyền thống hiếu học, kiến trúc, mỹ thuật, phong tục tập quán. Ðến nay, chương trình đã xây dựng được gần 20 chủ đề giáo dục theo lứa tuổi, cấp học, tích hợp kiến thức trên lớp như: Lớp học xưa, Khám phá kiến trúc cổ, Ðánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia tiến sĩ, Sách và mộc bản,... Thông qua các hoạt động này, các em sẽ hiểu về giá trị Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về tinh thần hiếu học, qua đó, có nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc. Ðể nâng cao chất lượng giáo dục di sản, vào dịp kỷ niệm 14 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11-2005 - 23-11-2019), Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa vào hoạt động Khu trải nghiệm cùng di sản.

Các hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tiến hành theo các bước: Cán bộ Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp giáo viên các trường học chuẩn bị các thông tin (về di tích) trước chuyến tham quan; trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với chương trình của học sinh. Sau khi tham quan, học sinh sẽ tự sáng tạo những sản phẩm của mình từ kiến thức thu nhận được tại di tích. Khu trải nghiệm cùng di sản lúc này sẽ hỗ trợ cho các em học sinh sau khi kết thúc hoạt động tham quan.

Mặc dù không gian không lớn, nhưng Khu trải nghiệm cùng di sản được trang trí đậm chất truyền thống bằng bức tranh Vinh quy bái tổ trên tường và các họa tiết trang trí trên bút lông bằng đá ở nhà Thái học xưa. Với việc bố trí các máy móc thiết bị hiện đại như: Máy tính, máy chiếu, máy tính bảng...; các trang bị, thiết bị phục vụ các hoạt động vẽ, nặn, chế tác đồ thủ công; hệ thống pa-nô, góc lưu giữ cảm xúc… Khu trải nghiệm cùng di sản trở thành không gian học tập, giao lưu, chia sẻ, phát triển những ý tưởng trong tổng thể "Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới" mà Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang triển khai. Các trang bị, thiết bị này cũng giúp các em tìm hiểu thêm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua các phương tiện hiện đại như chiếu phim, về di sản, về lịch sử khoa cử Việt Nam, cũng có thể phục vụ việc trình chiếu, thuyết trình của các em học sinh.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) Lê Thị Minh Lý cho biết: "UNESCO khuyến nghị các cơ quan di sản văn hóa trở thành nơi cung cấp các cơ hội học tập suốt đời cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ, tập trung vào ba trụ cột chính: Kiến thức, kỹ năng và năng lực. Các chương trình giáo dục di sản văn hóa đã tạo ra các kênh kết nối giá trị, ý nghĩa và nội dung của di sản văn hóa với công chúng, thu hút sự quan tâm của họ".

Cũng trong dịp này, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học khai trương Phòng trưng bày các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ðây là nơi giới thiệu 25 sản phẩm quà lưu niệm với 44 mẫu của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được các nghệ nhân làng nghề của Hà Nội sáng tạo ra. Những sản phẩm như: Thẻ nhớ, cốc đựng nước, bình đựng nước, giá để điện thoại… có tính tiện dụng cao, làm bằng chất liệu tre, giấy, gỗ… kết hợp chất liệu hiện đại và được trang trí bằng những hình ảnh đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay về truyền thống khoa bảng của nước ta. Ðổi mới giáo dục di sản, giới thiệu sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam là hoạt động thiết thực của Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám hưởng ứng việc Hà Nội được ghi danh vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.