Tăng cường sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô

"Ðẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững" không chỉ là tiêu đề, mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể mà Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Hiệp Hòa Việt Nam (Cụm công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh).
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Hiệp Hòa Việt Nam (Cụm công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh).

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 7,5-8%/năm

Chương trình số 02 - Ctr/TU đã đề ra mục tiêu tổng quát, 5 mục tiêu cụ thể và 11 chỉ tiêu. Trong đó, về tổng quát, Hà Nội xác định đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với đổi mới sáng tạo nhằm tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững.

Về mục tiêu cụ thể, trước mắt thành phố ưu tiên nguồn lực để kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung thu hút và tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, hợp lý để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển, quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.

Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân từ 7,5 - 8%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 8.300 đến 8.500 USD/người. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt từ 3,1 triệu tỷ đến 3,2 triệu tỷ đồng (tăng từ 12,5 đến 13,5%/năm). Cơ cấu kinh tế năm 2025 chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó dịch vụ chiếm 65 đến 65,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5 đến 23%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4 đến 1,6%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7 đến 7,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo trong GRDP chiếm 17%; kim ngạch xuất khẩu 20,470 tỷ USD; số lượt khách du lịch đạt từ 35 triệu đến 39 triệu lượt người (trong đó có 8 đến 9 triệu lượt khách quốc tế)...

Phát triển một số mô hình kinh tế mới

Ðể thực hiện các mục tiêu nêu trên, Chương trình số 02-CTr/TU đề ra sáu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra các mục tiêu quan trọng, có ý nghĩa định hình tầm vóc, sức mạnh kinh tế Thủ đô trong 5 năm tới. Do đó, ngành đang tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp này để bắt tay ngay vào triển khai. Trong đó, sẽ tập trung phát triển có chọn lọc một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn... Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Ðông - Nam Á.

Phó Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, nội dung Chương trình số 02-CTr/TU rất rộng, bao hàm các lĩnh vực và mục tiêu quan trọng, thể hiện bức tranh nền kinh tế Thủ đô. Vì vậy, các cơ quan tham mưu, chuyên ngành cũng như Ban Chỉ đạo chương trình cần làm rõ các nội dung gắn liền với các mục tiêu một cách rõ ràng, cụ thể, nhất là yêu cầu về tiến độ, lộ trình với số lượng, trách nhiệm hoàn thành của từng đơn vị. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu việc hình thành, phát triển một số mô hình kinh tế mới như: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nâng cao tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP lên khoảng 30% vào năm 2025.

Thành phố chủ trương thực hiện các giải pháp tăng nhanh số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó tập trung phát triển doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, thành phố kiên trì thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh. Ðồng thời, thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh như cải cách hành chính, hỗ trợ pháp lý, ưu đãi lãi suất, thuế, nhân lực, chuyển đổi số…, ngày càng tăng tính minh bạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU phải được tiến hành bài bản, hiệu quả; xây dựng lộ trình thực hiện cho từng quý, từng năm và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; nhất là cần nâng cao tinh thần tự giác, quyết tâm, năng động và sự kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, tránh chồng chéo. Thành phố sẽ xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển, quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.

Nguyên Trang