Tăng cường phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em

Trước những diễn biến phức tạp của nạn xâm hại trẻ em, thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ, phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất những nguy cơ xâm hại có thể xảy ra với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của gia đình, thì việc phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 18 hướng dẫn động tác tự vệ cho học sinh Trường THCS Tân Mai, quận Hoàng Mai. Ảnh: THỦY TIÊN
Chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 18 hướng dẫn động tác tự vệ cho học sinh Trường THCS Tân Mai, quận Hoàng Mai. Ảnh: THỦY TIÊN

Hà Nội là đô thị lớn, đông dân, tỷ lệ dân nhập cư tăng nhanh, trong đó có nhiều đối tượng hình sự và thành phần phức tạp. Chính vì vậy, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp về: độ tuổi của trẻ bị xâm hại, đối tượng xâm hại, tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ việc. Tính từ năm 2015 đến tháng 6-2019, trên địa bàn đã có 322 trẻ em bị xâm hại, trong đó 51 trẻ là nạn nhân của hành vi bạo lực; 29 trẻ bị xâm hại tình dục; 7 trẻ là đối tượng của hành vi mua bán
trẻ em.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, thành phố hiện có 1.852.454 trẻ em, chiếm 24,9% dân số (trong đó có 12.533 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em; 54.545 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt). Thời gian qua, thành phố đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo, liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Thành phố đã yêu cầu các địa phương xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng có trách nhiệm báo cáo ngay sau khi vụ việc xảy ra và báo cáo bằng văn bản về kết quả giải quyết chậm nhất sau ba ngày vụ việc được phát hiện. Bên cạnh đó, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các mô hình "Ngôi nhà an toàn", "Cộng đồng an toàn", "Trường học an toàn" để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em. Hằng năm, TP Hà Nội tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp thành phố. Ðây cũng là một kênh quan trọng để lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em về các vấn đề mà trẻ em quan tâm, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em. Ðến nay, tất cả 30 quận, huyện, thị xã; 540 xã, phường, thị trấn đã có quyết định thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác trẻ em. Tính đến tháng 6-2019, trên địa bàn Hà Nội có 1.694 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, có 10.916 cộng tác viên làm công tác trẻ em.

Dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em chưa đạt kết quả như mong muốn. Số trẻ bị xâm hại vẫn có dấu hiệu gia tăng. Cá biệt, tại huyện Chương Mỹ, từ đầu năm 2015 đến nay đã có 15 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó chủ yếu là xâm hại tình dục, bạo lực về thể chất. Ðã có một trẻ tử vong do bị bạo lực xảy ra vào tháng 4-2019. Trong sáu tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã xảy ra tới tám vụ xâm hại trẻ em. Thủ đoạn của các hành vi xâm hại ngày một tinh vi, diễn ra trong thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Ðiều đáng quan tâm, địa bàn xảy ra các hành vi xâm hại thường là tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để đạt được mục đích của mình. Ða phần đối tượng xâm hại trẻ em là người có mối quan hệ thân quen với trẻ, lợi dụng lòng tin, sự hồn nhiên, trong sáng, không cảnh giác của trẻ, cũng như cha mẹ trẻ để thực hiện các hành vi xâm hại. Qua đánh giá của các cơ quan chức năng, mặc dù phương thức thủ đoạn của đối tượng không mới, nhưng do nhận thức, đặc điểm tâm lý còn non nớt, cho nên trẻ em vẫn là nhóm tuổi dễ bị xâm hại. Có những trường hợp bị xâm hại không tố giác ngay, dẫn tới khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ. Một lý do khiến tội phạm liên quan đến việc xâm hại trẻ em chưa được xử lý nghiêm do có một số quy định mới của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 đến nay chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực thi, gây những khó khăn cho công tác đấu tranh, điều tra, truy tố, thậm chí là oan sai, bỏ lọt tội phạm đối với các vụ việc xâm hại trẻ em.

Trước sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa của TP Hà Nội trong thời gian tới, cũng như sự phát triển như vũ bão của thế giới công nghệ số đã và sẽ tiếp tục tác động rất lớn tới tư duy, nhận thức, quan điểm, hành vi, đạo đức, lối sống của cả người lớn và trẻ em, cả mặt tích cực và tiêu cực. Chính vì vậy, cần có quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hệ thống các giải pháp đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến cơ sở, tập trung giảm đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ em bị xâm hại ở tất cả các môi trường mà trẻ em đang sinh sống, học tập. Có như vậy mới góp phần giảm bớt các vụ xâm hại trẻ em, không để tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp hơn không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các địa phương khác trên cả nước.