Tăng cường kết nối cung - cầu các sản phẩm OCOP

Cùng với việc phấn đấu có thêm ít nhất 700 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP trong năm nay, TP Hà Nội đang đẩy mạnh kết nối giao thương các sản phẩm OCOP để phát triển, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
 

Khách hàng tham quan các sản phẩm OCOP của làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm.
Khách hàng tham quan các sản phẩm OCOP của làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm.

Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, với rất nhiều sản phẩm nổi tiếng trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế, là cơ sở để lựa chọn, hoàn thiện, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Năm 2019, có 18 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, với 316 hồ sơ sản phẩm, trong đó 301 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố công nhận, gồm sáu sản phẩm đạt 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao và 88 sản phẩm 3 sao. Ngay sau khi các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, như tổ chức hội thảo kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP tại huyện Thường Tín, trung tâm thương mại Big C Thăng Long, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; tôn vinh các chủ thể sản phẩm OCOP tại Lễ hội sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm… 

Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền, bước đầu người tiêu dùng đã nhận diện được thương hiệu, đánh giá cao chất lượng các sản phẩm. Đại diện Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín - đơn vị có 14 sản phẩm được công nhận OCOP phân hạng 4 sao năm 2019 cho biết, OCOP như một giấy thông hành giúp đơn vị đưa các sản phẩm nông nghiệp vào bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn rất thuận lợi. Các sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng Thủ đô tin cậy, mặc dù giá cả cao hơn các sản phẩm cùng loại. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 4 tỷ đồng/năm, gia tăng giá trị các sản phẩm và nâng cao thu nhập người sản xuất. 
 
Từ đầu năm nay, Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Hà Nội, đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện, đã hướng dẫn các địa phương lựa chọn, đăng ký sản phẩm OCOP. Các địa phương đã tập trung rà soát, lựa chọn nhiều các sản phẩm tham gia OCOP. Trong đó, huyện Đông Anh đã khảo sát, phân hạng, phân nhóm bước đầu được hơn 230 sản phẩm. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương phối hợp đơn vị tư vấn để hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm, phấn đấu trong năm nay có thêm ít nhất 700 sản phẩm được công nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP Hà Nội lên hơn 1.000 sản phẩm. 

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Hà Nội, chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi bình đẳng, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất; khai thác, phát huy giá trị tiềm năng của các địa phương, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động. Các chủ thể có cơ hội củng cố, nâng cao kiến thức trong sản xuất, kinh doanh.
 
Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình OCOP thời gian qua còn hạn chế. Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, các cấp chính quyền và đơn vị tư vấn mới chỉ tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện thủ tục hồ sơ, mà chưa có chính sách hỗ trợ, động viên các chủ thể có sản phẩm OCOP. Các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm còn lúng túng. Câu chuyện sản phẩm còn đơn giản, chưa gắn kết sản phẩm với lịch sử, văn hóa của địa phương…

Mới đây, tại hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, các chủ thể cần nhận thức rõ sản phẩm sản xuất ra phải có sự kết nối giao thương mới được thị trường biết đến. Vì thế, thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục mời thành viên là các siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn TP Hà Nội và cả nước cùng gặp gỡ các nhà sản xuất sản phẩm OCOP để bàn thảo hoạt động mua, bán sản phẩm. Khi các nhà bán lẻ tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất để mua, bán sản phẩm thì giảm được chi phí trung gian và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá cạnh tranh. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, từ nay đến cuối năm, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP. Đồng thời, sở tổ chức các chương trình kết nối giao thương sản phẩm nhằm thúc đẩy tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, mang tới người tiêu dùng thêm nhiều sản phẩm chất lượng tốt, góp phần phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân.