Tăng cường hợp tác du lịch với các thành phố châu Á

Cùng với việc giới thiệu những tiềm năng du lịch Hà Nội với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp kinh doanh du lịch của các thành phố thành viên Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á (CPTA), Hà Nội và nhiều thành phố đã ký kết các chương trình hợp tác, nhất là các thị trường trọng điểm như: Tô-ki-ô, Cu-a-la Lăm-pơ... mở ra cơ hội quảng bá, nắm bắt thị hiếu cũng như phát triển du lịch của Thủ đô.

Khách tham quan tìm hiểu sản phẩm du lịch tại triển lãm các thành viên CPTA.
Khách tham quan tìm hiểu sản phẩm du lịch tại triển lãm các thành viên CPTA.

Trước những thách thức, cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch, năm 2002, các thành phố lớn ở châu Á đã liên kết để phát triển. Nhận thức được vai trò của hợp tác quốc tế, Hà Nội đã chủ động tham gia và trở thành một trong tám thành viên sáng lập của Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á, bao gồm những thành phố lớn, có ngành du lịch phát triển: Hà Nội, Tô-ki-ô (Nhật Bản), Băng-cốc (Thái-lan), Niu Ðê-li (Ấn Ðộ), Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), Xơ-un (Hàn Quốc), Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), Ðài Bắc (Ðài Loan, Trung Quốc). Ðến nay, CPTA đã kết nạp thêm hai thành viên là Ma-ni-la (Phi-li-pin) và Tôm-xco (Nga). Mỗi năm, các thành phố tổ chức hội nghị gặp mặt để kiểm điểm lại những chương trình, dự án đã triển khai những chương trình hợp tác mới, tìm những giải pháp mới, trong đó, nhấn mạnh vai trò hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch giữa các thành phố thành viên. Năm 2018 này, Hà Nội đóng vai trò chủ nhà đăng cai Hội nghị Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á (từ ngày 6 đến 9-9).

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải nhấn mạnh, việc đăng cai tổ chức Hội nghị CPTA lần thứ 16 là cơ hội để Hà Nội quảng bá tiềm năng du lịch với các thành phố thành viên, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm cũng như tăng cường hợp tác để phát triển du lịch. Ðặc điểm chung của các thành phố thuộc CPTA là có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa. Bởi thế, để việc quảng bá hiệu quả, cần có những "món ăn lạ" dành cho khách du lịch. Tận dụng lợi thế chủ nhà, năm nay, Hà Nội đã giới thiệu với các quan chức, doanh nghiệp du lịch CPTA một tua du lịch mới mẻ, đó là "Trải nghiệm di sản Hà Nội bằng máy ảnh cổ". Tham gia tua du lịch này, khách du lịch được chọn một chiếc máy ảnh cổ từ bộ sưu tập hàng nghìn chiếc, được hướng dẫn cách sử dụng. Sau đó, khách sẽ theo chân hướng dẫn viên khám phá di sản, đời sống của người dân Hà Nội để ghi lại hình ảnh bằng máy phim. Hành trình kết thúc bằng việc khách tham gia rửa những tấm ảnh tự tay mình chụp. Tua du lịch này được các đại biểu đánh giá cao về tính đột phá trong khâu trải nghiệm di sản. Cùng với đó, trong suốt lịch trình của Hội nghị CPTA 16, nhất là Triển lãm các thành phố thành viên tại CPTA, Hà Nội đã giới thiệu những nét đặc sắc nhất của du lịch thành phố, nhất là những trải nghiệm về phố nghề, làng nghề.

Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về lượng khách trao đổi giữa mười thành phố thành viên CPTA, nhưng theo ông Y.Phu-gi-ta, Chủ tịch Hội đồng thì những năm qua, sự tăng trưởng lượng khách du lịch đến với mỗi thành phố thành viên chứng tỏ sự hợp tác trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch đã đạt hiệu quả khá tốt. Một hoạt động hiệu quả gần đây là sự hợp tác trong cuộc thi chụp ảnh thành phố vào buổi sáng đã thu hút sự tham gia của những người yêu du lịch, yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh và góp phần tuyên truyền, quảng bá sự hấp dẫn của các thành phố ở khu vực châu Á đến các thị trường mục tiêu. Cuộc thi ảnh "CPTA Instagram Photo Contest" đã khẳng định được uy tín của mình và mang lại những hiệu ứng tích cực, nhất là trong việc quảng bá hình ảnh cho các thành phố thành viên CPTA.

Hoạt động hiệu quả nhất trong hợp tác giữa các thành phố thành viên là truyền thông, quảng bá theo hình thức đối ứng. Thời gian qua, việc quảng bá du lịch của Hà Nội với các thị trường quốc tế luôn gặp khó khăn, vướng mắc về kinh phí. Thông qua hoạt động của CPTA, Hà Nội và Tô-ki-ô đã triển khai chương trình truyền thông, quảng bá đối ứng. Cụ thể, hai bên đã quảng bá, chia sẻ thông tin giới thiệu hai thành phố; chia sẻ hợp tác quảng bá ở địa điểm công cộng. Năm 2017, Hà Nội đã quảng bá về du lịch Tô-ki-ô trong một tháng tại khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Tương tự, Tô-ki-ô đã quảng bá hình ảnh về du lịch Hà Nội tại các địa điểm công cộng. Ngoài ra, còn có chương trình giảm giá, tặng quà cho khách du lịch Hà Nội hoặc Tô-ki-ô khi đăng ký tua tới hai thành phố trên trang web của CPTA. Giải pháp quảng bá đối ứng đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch hai chiều Việt Nam - Nhật Bản. Cụ thể, năm 2017, khách du lịch Nhật Bản đến Hà Nội đạt gần 300 nghìn lượt người, tăng 22% so với năm 2016. Ngược lại, khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản cũng tăng mạnh, trong đó, Hà Nội là thị trường trọng điểm. Hà Nội sẽ triển khai chương trình hợp tác tương tự với các thành phố: Xơ-un, Gia-các-ta, Cu-a-la Lăm-pơ, đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Hà Nội, với tốc độ tăng trưởng khách từ 20 đến 30%/năm. Cũng trong dịp này, các thành viên CPTA đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển du lịch.

Tại Hội nghị CPTA 16, trên cơ sở hợp tác thời gian qua, Hội đồng đang xúc tiến việc hình thành mạng lưới du lịch chung của mười thành phố thành viên. Mạng lưới du lịch chung đã bước đầu hình thành và bước tiếp theo là cụ thể hóa các chương trình để đi vào hoạt động hiệu quả hơn. Dự kiến, từ năm 2019 mạng lưới này sẽ được triển khai với hy vọng giúp các thành phố ngày càng hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách hơn. Ðây là thời cơ lớn, nhưng cũng đòi hỏi, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp sớm xây dựng các giải pháp tận dụng tốt cơ hội.