Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Trước nhiều nguy cơ, hệ quả xấu từ lối sống thiếu lành mạnh, đi ngược đạo đức xã hội của thanh, thiếu niên, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đang yêu cầu các trường cùng với việc dạy kiến thức phải tăng cường giáo dục kỹ năng, lối sống, củng cố nền tảng đạo đức cho học sinh. Hoạt động này đòi hỏi tâm huyết và sáng tạo, đổi mới của nhà trường, cũng như sự phối hợp của các bậc cha mẹ học sinh.

Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, ngành giáo dục hiện có nhiều văn bản chỉ đạo về giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh, nhưng chưa được các trường thực hiện thường xuyên và coi trọng. "Giáo dục lối sống cho học sinh không thể cho ngay kết quả, nó cần có quá trình và cần sự tham gia của nhiều lực lượng, giữa nhà trường và xã hội. Quan niệm chỉ học đạo đức, lối sống khi chương trình sẵn sàng, đồng bộ… là quan niệm sai lầm, làm cho một thế hệ bị khuyết thiếu về đạo đức, lối sống"- cô Nhiếp chia sẻ.

Năm học mới 2019-2020 được Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm tới vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, tạo nền tảng đạo đức, nhân cách cho các em. Thực hiện yêu cầu này, ngay sau khai giảng hai ngày, gần 2.000 học sinh Trường THPT Yên Hòa đã được khởi động bằng một chương trình ngoại khóa thiết thực. Ðáng nói là chương trình được phụ huynh học sinh thiết kế, hỗ trợ cùng lên kế hoạch và triển khai thực hiện với chủ đề Sống ước mơ và khát vọng.

"Học sinh không chỉ biết tập trung học tập và học một cách thụ động. Các em cần được khơi dậy những khát vọng để luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại thực hiện ước mơ của mình. Hơn nữa, các em cần thấu hiểu những giá trị tình yêu thương của thầy cô, bạn bè, gia đình trong việc phát triển bản thân, sự nghiệp"- cô Nhiếp chia sẻ. Buổi học đặc biệt của học sinh Trường THPT Yên Hòa do diễn giả Ðào Ngọc Cường "đứng lớp" với câu chuyện xuất phát từ đời thật của bản thân ông. Ông mong muốn chia sẻ với thật nhiều học sinh trong cả nước để các em thấu hiểu được sự hy sinh của cha mẹ để các em có khát vọng mạnh mẽ, nỗ lực vươn lên trong học tập, vượt qua mọi khó khăn, tránh xa các tệ nạn xã hội, biến ước mơ thành hiện thực. "Tôi chia sẻ từ những gì tôi trải qua và đúc kết, những câu chuyện thực tế của bản thân tôi. Tôi đã từng tự lập từ bé do mẹ bị mắc bệnh tâm thần và bố là thương binh. Gia đình rất nghèo cho nên tôi đã trải qua những năm tháng cơ cực. Chính nhờ sự quyết tâm cao, tôi đã vượt qua khó khăn và vươn lên như bây giờ. Tôi muốn truyền thêm động lực cho các em học sinh, những thế hệ trẻ tương lai của đất nước".

Quan tâm tới vấn đề gắn liền với giới trẻ hiện nay là mạng xã hội, Trường THPT chất lượng cao Phan Huy Chú - Ðống Ða đã tổ chức bàn luận về chủ đề "Lời đẹp - Sống sâu - Giàu nhân ái" vào sáng 16-9. Phó Hiệu trưởng nhà trường Cao Thanh Nga cho biết, thông qua buổi hoạt động ngoại khóa lần này, nhà trường mong muốn mỗi học sinh nói chung và học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Ðống Ða nói riêng hãy trách nhiệm hơn khi ấn nút like (thích), share (chia sẻ) thông tin, hay bày tỏ thái độ qua lời comment (bình luận) của mình trên mạng xã hội. Thay vì việc chia sẻ những thông tin tiêu cực, thất thiệt, mỗi người hãy chia sẻ nhiều hơn những điều tốt đẹp, hãy đưa ra những lời bình tích cực, mang tính xây dựng, yêu thương để cuộc sống mỗi ngày thêm tươi đẹp và ý nghĩa.

Em Hoàng Quân, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú- Ðống Ða cho biết, giới trẻ thường sử dụng mạng xã hội Facebook và Zalo để giao tiếp với người thân, bạn bè. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng mạng một cách hữu ích theo quy định Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Buổi ngoại khóa giúp học sinh toàn trường ý thức rõ nét hơn về việc sử dụng mạng một cách thông minh, phù hợp với lứa tuổi, không để ảnh hưởng đến việc học tập.

Ó thể thấy việc giáo dục kỹ năng, lối sống trong trường học đang chứng tỏ tầm quan trọng để tạo cho mỗi học sinh, sinh viên một nền tảng đạo đức căn bản, có tác dụng đề kháng với những thói xấu bên ngoài.