Tăng cường giám sát việc chi trả gói an sinh xã hội

TP Hà Nội vừa thực hiện chi trả gói an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Để bảo đảm công khai, minh bạch, nguồn hỗ trợ đến đúng tay người gặp khó khăn, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, còn phải thực hiện tốt công tác giám sát từ khâu rà soát, lập danh sách, xét duyệt cho đến chi trả. Cán bộ Mặt trận và các đoàn thể nhân dân sớm vào cuộc thực hiện giám sát, bảo đảm công bằng, khách quan trong thực hiện chính sách.
Chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở quận Long Biên.
Chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở quận Long Biên.

Hà Nội vừa thực hiện chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người có công và thân nhân người có công; hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng số tiền thành phố chi trả trong đợt này là hơn 505 tỷ đồng. Hiện thành phố tiếp tục điều tra, rà soát lập danh sách các đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ để tiến hành chi trả trong đợt tiếp theo. Công việc này tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế, lại gồm rất nhiều phần việc, để bảo đảm sự công bằng, khách quan, tránh xảy ra sai sót.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành chính sách về hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, quận Cầu Giấy đã lên phương án để chuẩn bị cho việc chi trả. Cùng với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã tích cực tham gia công tác rà soát đối tượng. Các cán bộ Tổ dân phố số 14 phường Dịch Vọng là một thí dụ. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: “Chúng tôi thành lập một tổ công tác gồm cán bộ của tổ dân phố và các tình nguyện viên tham gia công tác rà soát. Mỗi tổ dân phố có hàng chục trường hợp khác nhau. Riêng những trường hợp mà chúng tôi nghi ngờ là chưa trung thực trong khai báo, chúng tôi lập riêng danh sách để UBND phường xem xét giải quyết”. Sự vào cuộc của Mặt trận, các đoàn thể ngay từ đầu đã giảm áp lực cho các cấp chính quyền, nhất là tại các địa bàn có nhiều đối tượng được hỗ trợ như phường Nghĩa Đô, với 334 trường hợp. Đến nay, cả tám phường trên địa bàn quận Cầu Giấy đã tổ chức chi trả kinh phí đợt đầu. Tổng số có 1.819 người có công, thân nhân người có công; 1.451 đối tượng bảo trợ xã hội và 36 trường hợp là hộ cận nghèo được thụ hưởng chính sách.

Tại địa bàn huyện Thanh Trì, việc chi trả trong đợt đầu diễn ra thuận lợi cho dù huyện Thanh Trì có tới 10.309 trường hợp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Kinh phí chi trả là 12,5 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Chương cho biết: “Để thực hiện tốt khâu giám sát, phải phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư. Khâu rà soát, lập danh sách hết sức quan trọng. Người dân rất quan tâm đến việc chi trả, cho nên MTTQ huyện chủ động triển khai nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả; công tâm, minh bạch, bảo đảm không bỏ sót đối tượng và loại bỏ những người không đúng tiêu chí”.

Ở đợt chi trả đầu tiên, các đối tượng đã được xác định khá rõ ràng. Nhưng trong bảy nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách, có những đối tượng khá phức tạp trong việc xác minh. Thí dụ những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô-tô hai bánh chở khách, xe xích-lô chở khách; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe...; hay những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp… Đây là các nhóm đối tượng dễ xảy ra sai sót, hoặc một số cá nhân lợi dụng sự phức tạp để trục lợi từ chính sách. Để bảo đảm việc chi trả không rơi vào tình trạng “nhầm đối tượng”, bên cạnh tham gia công tác rà soát, thống kê, các cấp MTTQ cũng lên kế hoạch xây dựng hệ thống giám sát từ tổ dân phố cho đến cấp cao hơn để kiểm tra, rà soát việc lập hồ sơ và chi trả.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết: “Việc thống kê, lập danh sách, rà soát để hỗ trợ, hơn lúc nào hết rất cần đến những người làm công tác Mặt trận ở cơ sở. Bởi họ là những cán bộ gần dân, hiểu tình hình thực tế ở địa phương. Khi những cán bộ Mặt trận ở cơ sở được tham gia, ý kiến của cán bộ được lắng nghe thì những khó khăn sẽ được khắc phục”. Trong giai đoạn này, MTTQ thành phố Hà Nội sẽ thành lập tổ giám sát, đoàn giám sát ở hệ thống MTTQ các cấp để bảo đảm triển khai gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.