Tăng cường đối thoại, tạo đồng thuận từ cơ sở

Dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, giúp tháo gỡ kịp thời các vấn đề mà người dân bức xúc, đó là tinh thần của các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Hà Nội thời gian qua. Nhờ đó, từ “nhiệm vụ bắt buộc”, nhiều địa phương còn coi đây là giải pháp quan trọng để tạo sự đồng thuận, giúp phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.

Đại diện doanh nghiệp và người lao động phát biểu tại buổi đối thoại với lãnh đạo quận Thanh Xuân. Ảnh: LÊ TÂM
Đại diện doanh nghiệp và người lao động phát biểu tại buổi đối thoại với lãnh đạo quận Thanh Xuân. Ảnh: LÊ TÂM

Cụ thể trách nhiệm

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, muốn hạn chế, không phát sinh “điểm nóng” thì phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc. Với tinh thần trọng dân, gần dân và vì dân, Thành ủy Hà Nội luôn xác định công tác đối thoại với dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Trên cơ sở đó, ngày 25-5-2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố. Trong đó, Thành ủy yêu cầu việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm. Quy chế quy định rõ trách nhiệm cơ quan chức năng phải thông báo ý kiến kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của nhân dân. Chậm nhất 30 ngày làm việc sau khi có thông báo trên, các cơ quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả xem xét, giải quyết các vụ việc. Điều này giúp cho công tác đối thoại không còn hình thức, không làm chung chung cho có.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, trước đây nhiều địa phương “lờ đi” việc đối thoại định kỳ. Ở cơ sở, không ít người đứng đầu ngại phải đứng ra đối thoại trực tiếp với người dân, phần vì ngại va chạm, phần vì trình độ hạn chế. Tuy nhiên, khi có Quyết định 2200, đây đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc. Lãnh đạo thành phố như đồng chí Bí thư Thành ủy hay Chủ tịch UBND thành phố đã gương mẫu, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với đại diện các tầng lớp nhân dân về những vấn đề nóng. Với những vấn đề người dân kiến nghị tại các cuộc đối thoại, các đồng chí lãnh đạo thành phố đều yêu cầu các đơn vị liên quan trả lời cụ thể, ấn định thời gian giải quyết dứt điểm, cho nên được nhân dân đánh giá cao.

Tháo gỡ kịp thời vướng mắc

Sự chỉ đạo quyết liệt từ các đồng chí lãnh đạo thành phố đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Đến nay, toàn bộ quận, huyện, thị xã của thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức 42 hội nghị định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hơn 11.000 lượt người dân tham gia góp ý; tổ chức 30 hội nghị đột xuất với gần 3.600 lượt người dân tham gia góp ý kiến. Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 433 hội nghị đối thoại định kỳ, 173 hội nghị đối thoại đột xuất. Kết quả đã có 95% các ý kiến của người dân được giải đáp, trả lời trực tiếp tại hội nghị, qua đó kịp thời giải quyết những vướng mắc, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Nhiều vấn đề người dân bức xúc, nhưng sau khi được trả lời một cách “thấu lý đạt tình” đã “hạ nhiệt” rất nhanh.

Như hai cuộc đối thoại của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên với người dân trên địa bàn vào cuối tháng 9-2018 vừa qua. Hàng chục ý kiến đã đặt câu hỏi về nhiều vấn đề cụ thể đối với lãnh đạo huyện, như: Tình trạng úng ngập tỉnh lộ 428; tiến độ xây dựng cụm công nghiệp ở xã Phú Yên; thiếu giáo viên ở hai xã Phú Yên, Vân Từ; khúc mắc liên quan dồn điền đổi thửa ở xã Vân Từ; chậm đấu giá quyền sử dụng đất ở các xã; bảo đảm an toàn đê... Sau khi nghe lãnh đạo các phòng, ban của huyện và chủ tịch UBND các xã giải đáp và phản hồi ý kiến của người dân, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên đã làm rõ từng nội dung người dân nêu ra tại buổi đối thoại. Bí thư Huyện ủy Phạm Hải Hoa khẳng định, ngay sau buổi đối thoại, huyện phân loại từng ý kiến, kiến nghị của người dân nêu ra, cụ thể hóa thành văn bản, Thường trực Huyện ủy sẽ có văn bản giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị giải quyết. Đến ngày 5-11-2018, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết phải có văn bản báo cáo Thường trực Huyện ủy về kết quả giải quyết, để đến ngày 15-11-2018, huyện sẽ ra văn bản trả lời chính thức đối với các ý kiến, kiến nghị để gửi về các xã, trả lời người dân.

Không chỉ tổ chức đối thoại chung, một số địa phương còn chủ động lựa chọn việc khó khăn, những vấn đề đang được quan tâm để đối thoại. Như cuộc đối thoại với người lao động và doanh nghiệp được quận Thanh Xuân tổ chức vừa qua. Tại hội nghị, hàng chục câu hỏi chủ yếu liên quan việc kê khai thuế qua mạng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... được nêu lên. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu đã trả lời các câu hỏi và từng vấn đề cụ thể mà các đại biểu đưa ra. Đồng thời, người đứng đầu UBND quận Thanh Xuân cũng đề nghị các đại diện của ngành thuế, bảo hiểm xã hội, liên đoàn lao động cùng trả lời, làm rõ. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khẳng định, trong thời gian tới, quận tiếp tục chỉ đạo cán bộ toàn quận không những tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, mà còn tập trung giải quyết những vấn đề doanh nghiệp và người lao động bức xúc, tạo môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển.

Những cách làm chủ động ấy sẽ giúp các địa phương tạo đồng thuận hơn từ cơ sở, là tiền đề quan trọng thực hiện hiệu quả hơn những nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.